Ngành công nghiệp văn hóa: Bao giờ?
Ngày 28/3, tại Hà Nội, Bộ VHTT&DL phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước 2005 của UNESCO về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (giai đoạn 2012-2015) nhằm lấy ý kiến hoàn thiện bản dự thảo Báo cáo trước khi đệ trình UNESCO theo qui định.
Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã được đăng ký bản quyền.
Vi phạm bản quyền vẫn phổ biến
Thực chất, trong lĩnh vực nghệ thuật đây là Công ước góp phần bảo vệ bản quyền trong lĩnh vực văn hóa và phát huy giá trị của văn hóa. Theo những phân tích của các đại biểu, hiện hệ thống cơ chế chính sách liên quan tới các ngành công nghiệp văn hóa vẫn chưa thực sự theo kịp với tốc độ phát triển thực tế của thị trường văn hóa nội địa và nhu cầu tham gia vào thị trường văn hóa thế giới.
Ông Bùi Hoài Sơn- Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia VN, Trưởng nhóm thực hiện dự thảo báo cáo cho rằng, hiện việc khai thác, sử dụng tác phẩm trong môi trường kỹ thuật đang đặt ra nhiều thách thức về mặt pháp lý cũng như quyền bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.
“Vi phảm bản quyền khiến người sáng tạo và các nhà sản xuất sản phẩm và dịch vụ sáng tạo ít cơ hội thu được lợi nhuận từ việc sản xuất và phân phối sản phẩm sáng tạo, phá hỏng các mô hình kinh doanh sáng tạo và gây khó khăn cho sự phát triển cho các doanh nghiệp ở nhiều ngành như âm nhạc, thiết kế, thời trang…”, ông Sơn cho hay.
Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ: Có một thực tế ở VN hiện nay chúng ta chưa có sự tôn trọng với những sáng tạo nghệ thuật. Quốc Trung dẫn chứng, gần đây nhiều chương trình âm nhạc do ông sản xuất đã không nhận được sự tôn trọng từ chính các đơn vị truyền hình, phát thanh. Thậm chí, ông còn thẳng thắn kết luận là hầu hết các trang mạng âm nhạc hiện nay đều vi phạm về vấn đề bản quyền.
Người trong cuộc chưa biết nhiều về Công ước
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đưa ra nhận xét về bất cập về bản quyền ở lĩnh vực điện ảnh. Theo chị, rất nhiều người công tác trong ngành điện ảnh không hề biết đến Công ước UNESCO 2005 về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Trong khi việc thực hiện Công ước với nhiều quốc gia đang là một công cụ pháp lý quốc tế hữu hiệu đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm cho các nhân tham gia hoạt động trong các ngành nghệ thuật.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đề xuất, Công ước cần được quảng bá trực tiếp đến người đang hoạt động trong những ngành nghệ thuật cụ thể trước khi quảng bá rộng hơn trong xã hội.
Đây không phải lần đầu tiên người trong cuộc, ở những lĩnh vực thuộc diện bảo hộ của Công ước nói trên có ý kiến về việc họ chưa được biết đến Công ước. Bởi hơn 10 năm qua VN đã tham gia nhiều công ước quốc tế, chương trình hoạt động của UNESCO, song việc quảng bá, phổ biến rộng rãi các công ước, chương trình này còn hạn chế.
Điều này đòi hỏi, các cơ quan có trách nhiệm cần đẩy mạnh hợp tác với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phối hợp nhiều hơn, trước tiên là sự thành công trong chiến lược truyền thông.