Kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2016: Sẽ không gây mệt mỏi và xáo trộn?
Năm nay là năm thứ hai Bộ GD&ĐT tổ chức Kỳ thi THPTQG lấy điểm xét tuyển vào ĐH, CĐ. Để tránh những sai sót của mùa thi và tuyển sinh năm ngoái, Bộ GD&ĐT đã có những thay đổi trong Quy chế thi THPTQG và tuyển sinh ĐH, CĐ. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ một số điểm mới cần lưu ý đối với các thí sinh.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng.
Theo bà Kim Phụng, một vài bất cập nhỏ được bộc lộ sẽ được thay đổi trong năm 2016. Nếu như năm trước cả nước chỉ có 38 cụm thi ĐH thì năm nay tất cả các tỉnh sẽ đều có cụm thi ĐH, như vậy là các thi sinh sẽ không phải ra khỏi tỉnh để thi. Các tỉnh cũng có thể cụm thi chỉ để dành riêng cho các em đăng ký và xét tốt nghiệp. Tại Hà Nội cũng có nhiều thí sinh đăng ký diện này, và tùy theo lượng thí sinh cũng như tùy theo cách thức tổ chức của từng địa phương có thể quyết định không tổ chức cụm tốt nghiệp riêng mà thi cả ở cụm thi ĐH.
Điểm mới tiếp theo là kết quả thi sẽ do Hội đồng thi công bố. Như vậy các thí sinh sẽ xem kết quả thi của mình trên lịch công bố của Hội đồng thi nơi các em dự thi chứ không phải bộ công bố chung như năm trước nữa.
Về kết quả thi, bà Phụng cho biết: Mỗi thí sinh chỉ được cấp 1 giấy chứng nhận kết quả thi. Năm trước các em được cấp 4 giấy, 1 giấy cho đợt 1 và 3 giấy cho đợt sau. Năm nay các em chỉ được nhận 1 giấy thôi. Giấy này khi nộp vào trường ĐKXT, các em dùng mã thí sinh trên giấy để ĐKXT theo phiếu ĐKXT hoặc ĐKXT trực tuyến. Và giấy này các em giữ khi nào có thông báo trúng tuyển thì sẽ nộp giấy chứng nhận kết quả thi vào trường trúng tuyển. Nếu các em mà trúng tuyển nhiều trường thì có thể lựa chọn 1 trường để nộp giấy này, đó chính là trường các em lựa chọn để học.
Các trường ĐH, CĐ khi tuyển sinh có thể được sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, ví dụ như lấy từ kỳ thi THPTQG, hoặc xét học bạ, hoặc thi tuyển riêng. Và mỗi ngành nghề cũng có thể có ở nhiều trường, một trường có thể có nhiều ngành. Và quy chế quy định rõ là các trường sẽ phải công bố rõ chỉ tiêu, phương thức xét tuyển cho các ngành, nhóm ngành và các tổ hợp xét tuyển đối với mỗi ngành và chỉ tiêu kèm theo hay độ chênh lệch điểm của mỗi tổ hợp trong đó. Nếu các em lựa chọn trường nào nên xem kỹ trong website thông tin tuyển sinh trên trường mà mình lựa chọn.
Thí sinh cần chú ý một số điểm đổi mới của quy chế thi và tuyển sinh do Bộ GD&ĐT ban hành.
Điểm mới tiếp theo là ngưỡng đầu vào của ĐH và CĐ, năm nay cũng có thay đổi. Đối với ĐH sẽ có điểm ngưỡng xét tuyển đầu vào, và đối với từng trường cũng có thể xác định điểm nộp hồ sơ của trường đó. Đối với trường CĐ, năm nay ngưỡng đầu vào là tốt nghiệp THPT. Như vậy không có điểm thi làm ngưỡng đầu vào với CĐ nữa.
Về chế độ ưu tiên cũng có thay đổi. Năm trước chế độ ưu tiên là một trong những nội dung thí sinh rất hay nhẫm lẫn kể cả ưu tiên về đối tượng hay khu vực. Các em thuộc đối tượng nào nên đọc kỹ quy chế. Nếu có gì chưa hiểu thì nhờ tư vấn của các thầy cô, các trường mình định ĐKXT hoặc theo đường dây nóng của một số cơ quan báo chí, để đỡ nhầm lẫn như năm trước. Đối tượng ưu tiên theo quy chế năm nay có thu hẹp ở mức độ hợp lý.
Ví dụ đối tượng 1, năm trước quy định là người dân tộc có hộ khẩu thường trú ở KV1. Năm nay quy định rõ hơn, đưa thêm điều kiện thu hẹp lại là có hộ khẩu thường trú tại khu vực 1 trên 18 tháng. Khi bổ sung tiêu chí có nghĩa diện ưu tiên sẽ thu hẹp lại. Hoặc là ưu tiên khu vực theo hộ khẩu cũng thu hẹp lại, không tính theo trường phổ thông mà theo hộ khẩu. Người mà có hộ khẩu tại KV3 học ở trường trên địa bàn huyện cũng có xã thuộc KV3 thì lúc đó mới được ưu tiên. Năm ngoái không có KV3 này, năm nay KV3 mới được ưu tiên.
Cuối cùng khi các em ĐKXT, năm ngoái ở đợt 1 các em chỉ được đăng ký 1 trường và được nộp, rút ĐKXT thay đổi ĐKXT sang trường khác, điều đó cũng gây mệt mỏi cho các em và gây xáo trộn trong tuyển sinh. Vì vậy năm nay các em không được rút nộp hồ sơ trong quá trình ĐKXT nữa. Đồng nghĩa với việc các em phải cân nhắc thật kỹ khi ĐKXT vào trường nào…
Để bù lại Quy chế quy định ngay đợt 1 các em được đăng ký 2 trường, mỗi trường được 2 nguyện vọng. Nếu như các em đăng ký vào trường tuyển sinh theo nhóm, ví dụ như ĐH Bách khoa là 1 trường tuyển sinh theo nhóm, các em sẽ được đăng ký 4 nguyện vọng trong nhóm đó không phân biệt số lượng trường. Như vậy về số nguyện vọng thì bình đẳng như các em ngoài nhóm nhưng vì các trường đã đăng ký liên kết theo nhóm nên không phân biệt nữa. Các em có thể đăng ký 4 ngành vào 4 trrường, hoặc 4 ngành vào 3 trường hay 2 trường đó là tùy các em.