Tìm 'thuốc' chữa bệnh bộ máy cồng kềnh
Ngày 29/3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Nhiều ý kiến đã thẳng thắn nêu lên những điểm cần khắc phục trong nhiệm kỳ tới.
Đại biểu Trần Du Lịch phát biểu tại hội trường.
(Ảnh: Hoàng Long).
Chính phủ với nhiều bứt phá ngoạn mục
Đối với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) đánh giá cao sự kiên trì với 3 mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát và an sinh xã hội, góp phần đưa đất nước ổn định phát triển. “Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã kiên trì tư duy thị trường và hội nhập”- ông Lịch nói.
Còn ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thì dựa vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm hai lần để nhận định Thủ tướng và nhiều thành viên Chính phủ đã bứt phá ngoạn mục, nâng hạng tín nhiệm ấn tượng so với đầu nhiệm kỳ. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng, cử tri đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và người đứng đầu cơ quan hành pháp khi điều hành nền kinh tế phát triển ổn định. Ông Nghĩa nhận định, trong bối cảnh khó khăn, kinh tế vẫn tăng trưởng dương. Lãnh đạo cơ quan hành pháp cũng có thái độ kiên quyết với vấn đề bảo vệ chủ quyền, có tư tưởng đổi mới trong điều hành. Tuy nhiên các vấn đề tồn tại lâu nay như nền kinh tế vẫn phát triển thiếu bền vững, nguy cơ tụt hậu, dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên, tình hình tội phạm phức tạp…chưa được khắc phục. “Nếu Thủ tướng mạnh tay cách chức các Bộ trưởng, các Chủ tịch tỉnh không hoàn thành nhiệm vụ chứ không đợi đến khi hết nhiệm kỳ mới thay thì đã chặn được ngay tư tưởng trên bảo dưới làm ngơ. Nếu Thủ tướng kiên quyết xử lý một vài lãnh đạo DNNN vi phạm thì tình hình đã khác so với việc đợi đến khi họ vào tù mới xử lý…”- đại biểu của TP HCM nói.
Cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho chế định Chủ tịch nước
Đối với công tác của Chủ tịch nước, ĐB Trần Du Lịch và ĐB Trương Trọng Nghĩa cùng có chung nhận xét, vị nguyên thủ quốc gia nhiệm kỳ này gương mẫu trong lối sống và công việc, phấn đấu không mệt mỏi và làm việc hết sức cho dân cho nước. Chủ tịch nước luôn gắn bó với cử tri, có thái độ kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Dù vậy, nhiều việc thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước như quyền tham dự các phiên họp của UBTVQH, quyền triệu tập Chính phủ họp vẫn chưa được thực hiện để góp phần kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan.
ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nhận xét, cá nhân Chủ tịch nước rất cố gắng, hết mình để làm việc vì dân vì nước nhưng do hạn chế trong quy định nên cũng khó. Vì thế, ĐB đề nghị: “Nhiệm kỳ tới Chủ tịch nước trình QH xem xét ban hành luật về chế định Chủ tịch nước, vì vừa có quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp nhưng lại chưa có chế định cụ thể”.
Cũng dành nhiều phân tích về công tác của Chủ tịch nước, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) chỉ rõ, là người đứng đầu Nhà nước, quyền hạn rất lớn, mong đợi của người dân cũng rất lớn nhưng hoạt động của Chủ tịch nước còn hạn chế cũng là do hành lang pháp lý chưa được hoàn thiện. Đại biểu kiến nghị, QH trong nhiệm kỳ tới phải tập trung tiếp tục hoàn thiện thể chế về Chủ tịch nước để thể hiện tinh thần Hiến pháp sao cho Chủ tịch nước có thể thực hiện đầy đủ quyền hạn của mình.
Không để bộ máy phình ra
Về chuyện bộ máy cồng kềnh, ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng, đây là một điểm hạn chế của Chính phủ khiến nó trùng lắp, chồng chéo các lĩnh vực quản lý giữa các Bộ như Bộ NN&PTNT với Bộ TN&MT, Bộ TT&TT với Bộ VHTT&DL; Bộ GD&ĐT với Bộ LĐTB&XH…
Cụ thể hóa về sự “phình” ra của bộ máy, ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) dẫn ví dụ: số người sống dựa vào ngân sách là từ các khối cơ quan khác nhau. Ngân sách tính riêng cho việc chi lương đã khoảng 400.000 tỷ đồng/năm, tính chung cả khối viên chức, lực lượng vũ trang thì tới 1 triệu tỷ đồng/năm. “Như vậy còn đâu chi đầu tư phát triển?”- đại biểu bình luận. ĐB Đương dẫn chứng thêm, riêng việc thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã làm phát sinh thêm hàng chục ngàn biên chế ở HĐND các cấp. Trong khi đó, việc rà soát để tinh giản biên chế lại chỉ đưa ra con số 1% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ mà dư luận vẫn hiểu rằng có tới 1/3 công chức “cắp ô”, không làm gì. Đó chính là những nghịch lý khiến bộ máy không ngừng phình ra và tiền chi lương vẫn ngốn lớn.
Trước những bất cập, ĐB Nguyễn Văn Phúc đề nghị, trong nhiệm kỳ tới phải tinh giản bộ máy quản lý trên cơ sở ngân sách do QH quyết định thay vì cứ “đẻ” ra bộ máy rồi lại trình duyệt ngân sách nuôi bộ máy ấy. Chính phủ nhiệm kỳ mới cần kế thừa được phong cách điều hành mạnh mẽ, quyết đoán của Thủ tướng và nhiều thành quả khác của Chính phủ; phải lập lại kỷ cương kỷ luật, ý thức chấp hành, thượng tôn pháp luật, xử lý nghiêm minh công chức vi phạm…
Lại nói đến chuyện râm ran dư luận về chạy chức chạy quyền, ĐB Đương cho biết, người dân đang đặt những câu hỏi nghi vấn, đó có phải là sự thật, vì sao người ta thích chạy và vì sao chạy được đến giờ vẫn chưa có lời giải đáp. Ông Đương cho rằng, vấn đề đánh giá công chức, theo đó, khó nhìn nhận trên khía cạnh đạo đức, cảm tính mà phải nhìn bằng sản phẩm họ làm ra được để không cào bằng người làm được việc và người khéo léo, lấp liếm. “Vì sao người ta thích chạy, vì sao người ta chạy được? Đây là câu hỏi rất lớn trong nhiều nhiệm kỳ qua nhưng cử tri cả nước đến nay vẫn chưa có câu trả lời”- ĐB Đương nói.