VĐV Việt Nam 'dính' doping: Trách ai?
Trước thềm Olympic 2016, Thể thao Việt Nam đang làm tất cả để “nói không” với vấn nạn doping vốn đang khiến cả làng thể thao thế giới phải đau đầu.
VĐV Hoàng Anh Tuấn.
Công tác kiểm tra doping là một trong những vấn đề “nóng” nhất không chỉ của thể thao Việt Nam (TTVN) mà của các quốc gia trên thế giới. Ngoài vấn đề phạm luật thi đấu dẫn đến bị cấm thi đấu có thời hạn hoặc vĩnh viễn, 1 VĐV bị “dính” doping còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự quốc gia đó.
Thời gian qua, làng thể thao thế giới liên tục đón nhận những tin sốc liên quan tới vấn đề sử dụng doping. Mới gần nhất điền kinh Nga đã bị cấm thi đấu quốc tế, trong đó có cả Olympic 2016 do dùng doping. Chỉ ít ngày trước, thông tin nữ tay vợt xinh đẹp Maria Sharapova sử dụng chất cấm làm xôn xao dư luận.
Ở Việt Nam, 2 trường hợp dính doping đáng thương và đáng trách nhất là của Đỗ Ngân Thương (TDDC, tại Olympic 2008) và Hoàng Anh Tuấn (cử tạ, tại giải VĐTG 2009).
Sau 2 trường hợp dính doping trên, TTVN có thêm nhiều VĐV khác bị phát hiện dùng chất cấm. Dù họ không phải là những VĐV nổi tiếng, nhưng vẫn đề lại tiếng xấu cho ngành thể thao, các địa phương. Một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chống doping của Việt Nam cho biết, doping chẳng chừa một ai, bởi không chỉ các VĐV cố tình dùng để có lợi trong tập luyện, thi đấu mà họ cũng vô tình “dính” bất cứ lúc nào bởi sự thiếu chuyên nghiệp, kém về kiến thức.
Là người làm công tác quản lý thể thao Việt Nam trong nhiều năm, từng xử lý nhiều trường hợp liên quan đến doping, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao Thành tích cao Nguyễn Hồng Minh đã có những chia sẻ: “Tôi cho rằng mỗi VĐV dính doping theo cách khác nhau. Chẳng hạn như trường hợp của VĐV Đỗ Ngân Thương đã dùng thuốc lợi tiểu để giảm cân. Trường hợp này, cá nhân tôi đánh giá Ngân Thương đã tự dùng thuốc một cách thiếu ý thức và hiểu biết. Còn trường hợp của VĐV Hoàng Anh Tuấn là một sự đáng tiếc. Hồi đó, Tuấn được cử đi tập huấn tại Bulgaria, khi đội tuyển cử tạ Bulgaria bị phát hiện sử dụng chất cấm, thì đương nhiên Tuấn cũng nằm trong số đó vì ăn tập nhiều ngày cùng đội.
Gần nhất, qua báo chí, tôi được biết Maria Sharapova đã tổ chức họp báo ở Los Angeles, thông báo cô thất bại trong cuộc kiểm tra- dương tính với một loại chất cấm trong thể thao (được đưa vào danh sách từ 2016) có tên là “Meldonium”. Đây là loại thuốc giúp phục hồi chức năng và cải thiện hiệu suất cho VĐV. Theo lý giải của tay vợt đã giành trọn bộ 5 danh hiệu Grand Slam thì cô không hề hay biết “Meldonium” đã được đưa vào danh sách các chất cấm và cô đã dùng nó suốt 10 năm nay vì lý do sức khoẻ.
Việc các VĐV sử dụng chất cấm một cách vô tình là rất bình thường, nên lời giải thích của Maria Sharapova cũng có cơ sở”.
Cũng theo ông Minh, không chỉ các VĐV, mà HLV, nhà quản lý phải biết về doping, biết càng nhiều càng tốt. Khi đã dính chất cấm, chúng ta khó có thể lý giải được điều gì.
“Cá nhân tôi từng có một kỷ niệm tại ASIAD Doha Qatar năm 2006. Khi đó, HLV đội tuyển thể hình Việt Nam thông báo trong hành lý một VĐV thể hình có chất cấm. Với vai trò là trưởng đoàn khi đó, tôi ngay lập tức cấm VĐV được nhập cảnh. Vì thế mà chúng ta không có VĐV thể hình nào bị phát hiện sử dụng doping tại đại hội”, ông Minh kể lại.
TTVN đã chính thức ký vào công ước quốc tế trong việc chống doping trong thể thao. Chính vì vậy, những nhà quản lý và những chuyên gia đầu ngành như ngồi trên đống lửa trước tình trạng dùng chất cấm, không ai kiểm soát như thời gian qua. Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành cho biết, trước khi tham dự các kỳ đại hội lớn, hầu hết VĐV trọng điểm của Việt Nam đều được thử doping theo yêu cầu của Hiệp hội Chống doping thế giới (WADA). Kết quả xét nghiệm này sẽ được WADA công bố trước khi các VĐV tham gia thi đấu.
Trước thềm Olympic 2016, vấn đề doping với TTVN lại trở thành chủ đề nóng, bởi chúng ta từng có VĐV bị “dính” ở một kỳ Thế vận hội trong quá khứ. Một HLV thừa nhận, TTVN chủ yếu vẫn phải trông chờ vào ý thức, sự chuyên nghiệp của các VĐV là chính. Đơn giản bởi, không phải lúc nào HLV hay nhà quản lý cũng phải đi kè kè bên cạnh xem VĐV uống gì, ăn gì.