Chỉ có 0,3% doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ
Đó là nhận định của giới chuyên gia tại “Diễn đàn Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT): Cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp” được tổ chức sáng 30/3 tại Hà Nội.
Tham gia các Hiệp định thương mại tự do, cùng với lộ trình cắt giảm thuế quan, Việt Nam có cơ hội nâng cao cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu sang hầu hết các thị trường truyền thống, những thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, quá trình toàn cầu hóa cũng đưa đến không ít thách thức cho xuất khẩu bền vững sản phẩm công nghiệp. Bởi khi tham gia vào các FTA với phạm vi rộng và mức độ cam kết sâu đồng nghĩa với việc sản phẩm của Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm sản xuất của các nước có lợi thế cạnh tranh vượt trội so với Việt Nam.
Ngoài ra, những hạn chế trong đầu tư vào công nghệ cao, hiện đại, thiếu hụt nhân lực trình độ cao; đặc biệt ngành công nghiệp hỗ trợ chưa thực sự phát triển khiến Việt Nam mới chỉ là một mắt xích rất nhỏ trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiện nay, DN CNHT mới chỉ chiếm 0,3% số DN, bởi vậy theo GS Phan Đăng Tuất, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương, việc nâng cao số lượng DN CNHT là hết sức quan trọng trong giai đoạn hội nhập, toàn cầu hóa.
“Các bộ, ban ngành cần nghiên cứu những “lồng ấp” để cho ra đời nhiều hơn nữa các DN CNHT” - GS Tuất nêu quan điểm.