Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế: Băn khoăn cơ quan chủ trì, thẩm tra
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) sáng 30/3, nhiều ĐBQH cho rằng: Cần lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động của điều ước trước khi điều ước được ký kết cũng như bổ sung thêm các cơ quan giám sát việc thực hiện kí kết cũng như thực hiện điều ước.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) phát biểu tại hội trường, ngày 30/3. Ảnh: Hoàng Long.
Trách nhiệm chủ trì và đề xuất
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng cho biết, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về cơ quan chủ trì kiểm tra, thẩm định các điều ước quốc tế.
Theo ĐB Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) kế hoạch thực hiện tránh việc trước đây lúng túng không biết cơ quan nào chủ trì nhưng cơ quan đề xuất ký kết điều ước quốc tế không phải cơ quan chủ trì thì Thủ tướng quyết trong 15 ngày. Vậy cơ quan đề xuất không phải là cơ quan chủ trì thì lấy đâu ra tài liệu kế hoạch để thực hiện. Ông Hồng bày tỏ băn khoăn: Từ khi ký đến khi thời điểm có hiệu lực cơ quan có thẩm quyền có xây dựng được văn bản quy phạm pháp luật mới để phù hợp với điều ước ký kết hay không? Chưa kể nhiều khi cơ quan chủ trì không phải là cơ quan đề xuất.
Về phần mình, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng cần quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan chủ trì đề xuất ký điều ước quốc tế. “Báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy bất cập trong tham gia là do nhiều cơ quan chưa chú trọng chuyên gia, luật gia, bộ phận pháp chế của các bộ ngành nên có nhiều sơ xuất trong nghị định thư của cơ quan Việt Nam với nước ngoài, chưa kể lãnh đạo Bộ chưa coi trọng pháp chế mà chỉ chú tâm vào bộ phận chuyên môn. Mình Bộ Tư pháp khó, làm sao không quy định các bộ ngành có bộ phận pháp chế trong xây dựng điều ước quốc tế khắc phục bất cập trong thực tiễn hiện nay cho nên cần trách nhiệm của cơ quan đề xuất cần lấy ý kiến luật sư, chuyên gia với dự thảo điều ước quốc tế”- bà Khánh kiến nghị
Dẫn chứng việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa được tiếp cận với những quy định của điều ước quốc tế ngay khi đang còn là dự thảo, cho nên bị thua ngay trên sân nhà. Khi chúng ta chuẩn bị ký kết Hiệp định TPP vì không công khai nội dung dự thảo cho nên doanh nghiệp không biết nội dung ra sao, phải chờ. Trong khi đó các nước châu Âu đã được công bố ngay khi điều ước đang còn là dự thảo, còn ta lại không biết, bà Khánh đề nghị trong quá trình đàm phán cũng phải công bố để thể hiện công khai minh bạch, chủ động để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong tâm thế chuẩn bị.
Bổ sung cơ quan giám sát, thẩm tra các điều ước
Đề nghị bổ sung vai trò của Chủ tịch nước trong phê chuẩn điều ước quốc tế, ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đề nghị, cần quy định cụ thể hơn thẩm quyền của Chủ tịch nước trong phê chuẩn điều ước quốc tế. Thực tế hiện nay, có một số điều ước, Chủ tịch nước đã đề nghị các Ủy ban của QH nghiên cứu, có ý kiến và gửi Chủ tịch nước trước khi điều ước phê chuẩn. Đây là vấn đề thực tiễn nên phải thể chế hóa thành luật, ĐB Phúc nói.
Một vấn đề nữa được nhận được nhiều ý kiến của ĐB đó là vấn đề giám sát, thẩm tra những vấn đề liên quan đến các điều ước quốc tế. ĐB Nguyễn Văn Phúc cho rằng, nếu chỉ giao Ủy ban Đối ngoại chủ trì, giám sát các điều ước là lỏng. Trong bối cảnh hội nhập sâu, rất nhiều điều ước quốc tế sẽ được chuẩn bị ký kết trong khi Ủy ban Đối ngoại với nhân sự, cơ cấu như vậy không thể chủ trì giúp thẩm tra, giám sát sâu các điều ước mang yếu tố kĩ thuật sâu. Vì vậy, phải phân công cho Hội đồng Dân tộc, các ủy ban thẩm tra, cho ý kiến, đặc biệt là những điều ước về kĩ thuật, an ninh quốc phòng.
“Tôi có cảm giác luật này trái với luật giám sát của QH”- ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên- Huế) nói. ĐB Trần Đình Nhã phân tích, dự thảo luật chỉ quy định giám sát hoạt động kí kết mà thiếu giám sát hoạt động thực hiện. Vì đây là hoạt động rất lớn, là hoạt động đưa điều ước quốc tế vào cuộc sống, nếu chỉ giao cho Ủy ban Đối ngoại của QH giám sát làm sao làm xuể. Tại sao UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban sao không giám sát dù đây là vấn đề rất lớn. Phải bổ sung đối tượng và chủ thể giám sát theo Luật Giám sát của QH.
Đồng tình với ĐB Phúc và ĐB Nhã, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cũng cho rằng, chỉ giao cho Ủy ban Đối ngoại của QH thẩm tra là chưa đủ. Tôi không hiểu sắp tới sẽ kí kết các điều ước chuyên về trang thiết bị y tế Ủy ban Đối ngoại sẽ thẩm tra thế nào nếu thiếu cơ quan chuyên môn? Với những điều ước thuộc chuyên ngành thì chuyển về cơ quan chuyên ngành giám sát, thẩm tra.