Quyết định hợp lý

Luật sư Lê Đức Tiết 30/03/2016 23:12

Thông tin về ba lãnh đạo chủ chốt của thành phố Đà Nẵng, gồm Bí thư, Phó Bí thư Thành ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố không ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV được dư luận quan tâm. Việc không ứng cử của họ được giới chức trách địa phương cho là sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng của Đoàn đại biểu Quốc hội của thành phố.

Quang cảnh kỳ họp Quốc hội khóa XIII.

Dư luận chung thừa nhận rằng tình trạng kiêm nhiệm nhiều chức vụ cùng một lúc đã làm phát sinh nhiều bất cập, đặc biệt là đối với những người nắm giữ cương vị chủ chốt. Người kiêm nhiệm nhiều chức vụ luôn bận bịu với họp hành. Nhiều đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, kể cả những đại biểu chuyên trách, đều nhận thấy họ không đủ thời gian để nghiên cứu sâu các tài liệu, đặc biệt là đối với các dự án luật, các dự án phân bổ, quyết toán ngân sách quốc gia, các dự án quy hoạch, kế hoạch đất đai, các dự án đầu tư lớn.

“Phải có điều kiện tham gia Quốc hội” là một trong 5 tiêu chí để trở thành đại biểu Quốc hội đã được quy định tại Khoản 5, Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội. Nhưng nhiều viên chức thuộc ngành hành pháp kiêm nhiệm đại biểu Quốc hội thường rơi vào tình trạng khó xử. Nếu tham dự đầy đủ các cuộc họp của Quốc hội, thường kéo dài trên một tháng, thì công việc hành pháp bị bỏ bê. Nếu vắng mặt trong các cuộc họp của Quốc hội để giải quyết công việc hành pháp thì vi phạm Khoản 5, Điều 22, Luật Tổ chức Quốc hội.

Vai trò, vị trí của ba ngành: Lập pháp, Tư pháp, Hành pháp, như kiềng ba chân, đều quan trọng như nhau. Nhưng với hoạt động hành pháp thì đòi hỏi phải có sự nhanh nhạy hơn, có sự quyết đoán mau lẹ hơn, không thể để chậm trễ. Có thể dễ dàng nêu ra nhiều dẫn chứng về những lợi ích của nền hành chính năng động, nhạy bén. Ngược lại, sẽ có những hậu quả khó lường đối với nền hành chính quan liêu, trì trệ.

Một ví dụ rõ nét nhất là hậu quả của tình trạng nợ đọng văn bản của ngành hành pháp. Các quyết định hành chính và các mệnh lệnh hành chính là những kênh dẫn đường cho chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước thâm nhập và phát huy tác dụng với cuộc sống. Nhưng tình trạng chung của nước ta hiện nay là nhiều đạo luật đã được ban hành nhưng chậm được thực thi vào cuộc sống chỉ vì thiếu văn bản hướng dẫn, hoặc do sự chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn trong các văn bản dưới luật của ngành hành pháp.

Hay như tình trạng khiếu nại đông người dài ngày của người dân như một bệnh mãn tính, khó chữa một phần là vì những người lãnh đạo không có thì giờ để tiếp xúc với dân. Nhưng khi người chủ trì các cấp trực tiếp đối thoại với dân thì nguyện vọng chính đáng của dân được giải quyết một cách chóng vánh. Lòng tin của dân vào Đảng, chính quyền được phục hồi.

Trong lãnh đạo, quản lý, việc kiêm nhiệm nhiều chức vụ sẽ làm phát sinh nhiều bất cập, nhưng mặt khác đó là một đòi hỏi của thực tiễn. Bộ máy lãnh đạo, quản lý phải tinh và gọn. Vì vậy để tránh tình trạng cồng kềnh, vẫn có thể kiêm nhiệm đối với những công việc tuy khác về chức danh nhưng nội dung công việc không có gì trái nhau. Tuy vậy, phải hết sức tránh việc kiêm nhiệm các chức danh, nhiệm vụ mà khi thực thi sẽ bị rơi vào tình trạng làm mất đi tính khách quan mà dư luận thường gọi là hiện tượng vừa đá bóng vừa thổi còi.

Cách làm của thành phố Đà Nẵng tuy là một sáng kiến của địa phương nhưng nó có sự gợi ý trong việc đổi mới, hoàn thiện bộ máy nhà nước theo hướng tinh, gọn, gần dân, sát dân hơn bằng cách giảm bớt tình trạng kiêm nhiệm, ôm đồm, bao biện công việc đang xảy ra nhiều nơi ở nước ta.

Trong các kỳ họp của Quốc hội, khi trả lời chất vấn về nguyên nhân của những bất cập trong ngành hành pháp, tư pháp, có đại biểu cho là biên chế mỏng không đủ sức quản lý (!)

Nhiều đại biểu Quốc hội và dư luận chung của nhân dân cho rằng sự biện minh này không có tính thuyết phục. Nguyên nhân cốt lõi vẫn là nạn quan liêu, trì trệ của nền hành chính quốc gia. Bởi vậy dư luận cho rằng điều này hạn chế hiện tượng bộ máy nhà nước ngày càng trở nên cồng kềnh, càng kêu gọi giảm biên chế thì biên chế không giảm mà lại tăng.

Nhân dân cho rằng nên cắt giảm tối đa việc các chức danh thuộc ngành tư pháp, hành pháp ở Trung ương và địa phương tham gia ứng cử làm đại biểu Quốc hội và tham gia làm đại biểu Hội đồng nhân dân. Các đại diện của ngành tư pháp, hành pháp sẽ xuất hiện tại các cuộc họp của Quốc hội, hoặc Hội đồng nhân dân khi phải điều trần trước cơ quan dân cử khi có yêu cầu của các cơ quan này.

Điều này sẽ làm tăng hiệu quả chức năng giám sát của cơ quan dân cử, đồng thời là của nhân dân đối với các cơ quan thuộc hệ thống tư pháp và hành pháp. Sẽ là hợp lý khi dành tỷ lệ nhiều hơn cho việc bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân niên khóa 2016-2021 cho các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp, các dân tộc, các tôn giáo, các giới trong các cơ quan dân cử.

Luật sư Lê Đức Tiết