Hôm nay, hồ sơ hát Xoan sẽ được đề cử lên UNESCO
Ngày 30/3, tại Hà Nội, UBND tỉnh Phú Thọ đã công bố kế hoạch tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Bính Thân 2016 và thông tin việc đệ trình hồ sơ hát Xoan Phú Thọ gửi đến UNESCO- đề nghị ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Hát Xoan Phú Thọ đã tự tin thoát khỏi tình trạng cần phải bảo vệ khẩn cấp.
Cụ thể, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2016 được tổ chức từ ngày 12 đến 16/4 (tức ngày 6 đến 10-3 ÂL) do tỉnh Phú Thọ làm chủ lễ với sự tham gia của 3 tỉnh Hưng Yên, Bình Thuận và Cà Mau. Năm nay lần đầu tiên, TP Việt Trì sẽ tổ chức lễ hội đường phố mang chủ đề “Việt Trì - Thành phố lễ hội về với cội nguồn”. Ngoài ra tỉnh Phú Thọ cho hay, địa phương đang phấn đấu để đưa Lễ hội Đền Hùng thành lễ hội mẫu mực của cả nước.
Tại cuộc họp báo, ông Hà Kế San- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho hay: hôm nay (ngày 31/3), hồ sơ hát Xoan Phú Thọ sẽ chính thức được gửi đến UNESCO để đề nghị ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Như vậy hát Xoan đã tự tin thoát khỏi tình trạng di sản văn hóa phi vật thể cần phải bảo vệ khẩn cấp theo như cam kết với UNESCO.
Theo ông San, đến nay hồ sơ di sản đã được chuẩn bị công phu, tập trung khẳng định được những điểm nổi bật là hát Xoan là một di sản đặc sắc, đại diện của cộng đồng Phú Thọ; hát Xoan được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác thể hiện bằng những gương mặt cụ thể của các thế hệ tham gia trình diễn và thực hành; sức sống trường tồn của hát Xoan trong đời sống hiện nay thông qua việc phát triển các câu lạc bộ, những người yêu thích và công chúng của hát Xoan…
Tính đến nay, toàn tỉnh có 4 phường Xoan gốc, 30 CLB hát Xoan với trên 1.200 người tham gia thực hành Hát Xoan. Trong đó, số thành viên tham gia 4 phường Xoan gốc là 199 người, tăng 65 %, số thành viên tham gia các CLB hát Xoan là trên 1.100 người, tăng khoảng hơn 23 lần so với thời điểm trước khi hát Xoan được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp năm 2011.
Đặc biệt, chương trình bảo tồn có tầm nhìn đối với thế hệ trẻ trong việc có nhiều trường học đưa hát Xoan vào trong chương trình giảng dạy, các tiết học lịch sử của địa phương, văn hóa âm nhạc.
“Tất cả các yếu tố đó đã minh chứng mạnh mẽ cho việc hát Xoan đã thoát khỏi tình trạng khẩn cấp. Với những nỗ lực hết mình của tỉnh Phú Thọ và những nét độc đáo riêng của di sản, chúng ta tin tưởng rằng, hát Xoan Phú Thọ sẽ sớm được ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại điện của nhân loại vào năm 2017” – ông Hà Kế San khẳng định.
Hoàng Minh
Hát Xoan còn được gọi là Khúc môn đình (hát cửa đình), là lối hát thờ thần, tương truyền có từ thời các vua Hùng. Thuở xa xưa, người Văn Lang tổ chức các cuộc hát Xoan vào mùa xuân để đón chào năm mới. Có 3 hình thức hát xoan: hát thờ cúng các vua Hùng và Thành hoàng làng; hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe; và hát lễ hội là hình thức để nam nữ giao duyên.
Theo sử sách ghi lại thì hát Xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm, là di sản văn hóa dân gian hết sức quý báu. Trên chặng đường dài đó, loại hình nghệ thuật này đã được nhiều người có vị thế và uy tín trong xã hội, nhiều văn nhân thi sĩ nâng đỡ, tạo điều kiện cho phát triển. Trong đó có phần công lao to lớn của bà Lê Thị Lan Xuân, mà phường Xoan truyền tụng như một ân nhân. Để tỏ lòng biết ơn bà, các phường Xuân kiêng tên bà gọi chệch đi là hát Xoan.
Các làn điệu Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Gốc của hát Xoan ở vùng Phú Thọ, sau đó lan tỏa tới các làng quê thuộc đôi bờ sông Lô, sông Hồng, qua cả tỉnh Vĩnh Phúc. Bốn phường Xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở 2 xã Kim Đức và Phương Lâu (Phú Thọ).G.B