Gia Lai: Rừng phòng hộ bị chiếm dụng
Hàng trăm hécta rừng ở xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa (tỉnh Gia Lai) thuộc rừng phòng hộ Đăk Đoa bị người dân san phẳng biến thành nương rẫy. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài, gây dư luận xấu. Tuy nhiên, chính quyền địa phương, Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Đăk Đoa lại buông xuôi...
Những lán trại mọc trên đất rừng phòng hộ.
Đua nhau xâu xé đất rừng
Xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa là nơi được xem có diện tích cây hồ tiêu, chanh dây tăng nhanh nhất tỉnh. Và bất kể đó là rừng giàu hay rừng nghèo, rừng phòng hộ đều nhanh chóng bị xâm lấn biến thành nương rẫy. Có mặt tại tiểu khu 456 thuộc địa phận thôn 1, xã Hải Yang, chúng tôi chứng kiến hoạt động xâm lấn đất rừng diễn ra công khai, bất chấp đó là đất đang thuộc quyền canh giữ của BQLRPH Đăk Đoa. Những lán trại tạm được dựng lên để làm nơi tá túc lúc nắng mưa. Người dân vẫn vô tư dọn dẹp, cuốc xới và canh tác bất chấp sự có mặt của người lạ.
Cũng tại tiểu khu này, chúng tôi ngược lên thôn 4 (hay gọi làng Bông Hĩlot) cảnh tượng còn thê thảm hơn. Đất đai bị xâm lấn cuốc xới nham nhở, người dân thì vô tư đào mương phân lô nhận phần.
Nguy hại hơn, hàng trăm cây sao đen được trồng từ năm 1992 (đường kính từ 20 - 30cm) đã bị người dân cưa sát gốc nằm ngã rạp lá khô héo và chỉ cần một mồi lửa thì toàn bộ diện tích trên sẽ biến thành rẫy bất cứ lúc nào. Chưa kể, những cây thông cao chót vót nằm ngay bìa rừng có độ tuổi trên 30 năm cũng bị người dân đục khoét gốc, đốt cháy thậm chí là đốn gốc.
Nhưng điều bất thường, toàn bộ diện tích bị người dân bao chiếm nằm cách trạm quản lí bảo vệ rừng của BQLRPH Đăk Đoa, UBND xã Hải Yang và Hạt Kiểm lâm huyện chỉ vài phút đi xe máy. Nhất cử nhất động các cán bộ đều tường tận mọi vấn đề, nhưng việc để hàng trăm hécta đất bị lấn chiếm là nguyên nhân khách quan hay thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lí để người dân vô tư xâm chiếm đất rừng.
Nhiều người dân ở đây cho rằng, hiện giá chanh dây, hồ tiêu đang sốt, người dân lấn chiếm đất là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, với số diện tích lấn chiếm nhiều như vậy mà BQLRPH Đăk Đoa không có biện pháp ngăn chặn kịp thời là có vấn đề!.
Ông Nguyễn Văn T., trú thôn 1, xã Hải Yang bức xúc: “Cứ mỗi lần phát hiện người dân lấn chiếm, tôi lại báo chính quyền địa phương nhưng rồi đâu lại vào đấy. Mấy hôm họ còn đưa cả máy cuốc vào để đào bới, tôi báo họ mới bắt chứ cũng chẳng ai quan tâm”.
Bất lực hay tiếp tay?
Đem vấn đề hàng trăm héc ta rừng bị triệt hạ, lấn chiếm tại tiểu khu 456 trao đổi với ông Hoàng Thi Thơ - Giám đốc BQLRPH Đăk Đoa thì vị giám đốc này lại cho rằng đó không thể gọi là rừng nghèo. Nếu là rừng nghèo trữ lượng gỗ phải từ 10m3 trở lên. Rừng trồng mật độ cây rừng phải từ 1.000 - 1.600 cây. Việc người dân vi phạm, lấn chiếm chỉ là cây bụi đất lâm nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế những cây sao đen, thông bị triệt hạ đã được khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ vài chục năm qua nhằm duy trì sự đa dạng của rừng thì vị giám đốc này lại khẳng định là đất lâm nghiệp thì liệu rằng đó có phải sự nhìn nhận khách quan. Ngay đến cả đến con số thống kê chính xác diện tích bị lấn chiếm vị giám đốc này vẫn “ậm ờ” ước khoảng 6.8 hécta với lí do người dân lấn chiếm nằm rải rác không nhớ hết được…
Chủ tịch xã Hải Yang - Cao Văn Nông thì đổ lỗi “đó là trách nhiệm thuộc vị đơn vị chủ rừng. Chúng tôi (UBND xã) cũng làm quyết liệt lắm rồi”. Nhưng sự “quyết liệt” có phần trái ngược dư luận, khi nhiều người dân ở đây cho rằng từ ngày ông Nông làm chủ tịch, xã này hoạt động xâm lấn, tái chiếm đất rừng lại có chiều hướng gia tăng. Phải chăng dư luận đặt điều hay hoạt động lấn chiếm đất rừng tinh vi tới mức qua mặt cán bộ một cách dễ dàng(!?).
BQLRPH Đăk Đoa quản lí trên 18.000 hécta nằm trải dài trên 5 xã, có chức năng phòng hộ đầu nguồn quan trọng cho khu vực xung quanh. Nếu tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất không được các cấp chính quyền xử lí dứt điểm thì nguy cơ tiểu khu 456 sẽ biến mất.