Biết lắng nghe
Tại Điều 22, Dự thảo Thông tư Quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, do Bộ Công an soạn thảo đang đưa ra lấy ý kiến quy định chỉ ưu tiên cán bộ cao cấp.
Ảnh minh họa.
Song, trước sự phản biện của dư luận, Bộ Công an đã tiếp thu và hứa mọi người sẽ bình đẳng trước pháp luật, nghĩa là sẽ bổ sung nội dung: Không chỉ cán bộ cấp cao được ưu tiên, mà kể cả người dân cũng sẽ được giải quyết cho đi nếu phương tiện còn hoạt động được, đồng thời không cần thiết phải giữ lại điều tra.
Cụ thể, Điều 22 nêu: Khi xảy ra TNGT, nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó vẫn hoạt động được, đủ điều kiện tham gia giao thông thì lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có)... và yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản rồi giải quyết cho đi, hẹn thời gian đến trụ sở cơ quan công an để giải quyết.
Tuy nhiên, sau khi Dự thảo Thông tư trên được đưa ra lấy ý kiến thì đã nhận được sự phản biện khá gay gắt của dư luận xã hội về việc vì sao chỉ có cán bộ cao cấp mới được giải quyết linh động, còn người dân lại không thể, lẽ nào có sự phân biệt đối xử mọi người trước pháp luật? Với tinh thần thượng tôn pháp luật, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật của một xã hội văn minh thì không thể chấp nhận được quy định trái khoáy đó.
Thật may là cơ quan soạn thảo thông tư là Bộ Công an cũng đã lắng nghe và tiếp thu sự phản biện đúng đắn đó. Theo đó, Bộ Công an sẽ chỉnh sửa lại Dự thảo Thông tư Quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ theo hướng: Không chỉ có cán bộ cấp cao mà kể cả người dân khi xảy ra TNGT, phương tiện giao thông vẫn đảm bảo điều kiện lưu thông thì cũng sẽ được tiếp tục đi tiếp. Bộ Công an khẳng định, Dự thảo quy định trên chỉ điều chỉnh TNGT ở mức nhẹ, còn tai nạn tới mức nghiêm trọng, gây chết người hoặc có dấu hiệu tội phạm thì sẽ chuyển sang cho CSĐT.
Như vậy là nỗ lực cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước đã thực sự có hiệu quả, ngay cả đối với phong cách làm việc của một số cơ quan, đơn vị. Nếu như trước đây việc các cơ quan chức năng cứ ra thông tư mà không cần biết nó có sát với thực tiễn không, có khả thi không, có trái luật không, dư luận có đồng tình không, thì bây giờ họ đã biết lắng nghe những ý kiến phản biện, dám nhận sai để sửa theo hướng tích cực hơn. Điều đó giúp cho người dân thêm tin tưởng vào một nền tư pháp, hành chính tương lai công khai, minh bạch và văn minh.