Tuyên thệ trước nhân dân
Hôm qua, 31/3/2016, lần đầu tiên, tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vừa thực hiện tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội. Theo quy định mới, ngay sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao phải lần lượt tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp. Nghi thức tuyên thệ được thực hiện trang trọng, chuẩn mực. Điều ấy minh thị rõ ràng về trách nhiệm thực thi quyền lực nhà nước vì lợi ích quốc gia dân tộc, tạo cơ sở soi rọ
Tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ.
Tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ: “Tôi xin trân trọng cảm ơn Quốc hội đã bầu tôi làm Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam. Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân là người đầu tiên thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức theo Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội 2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Theo quy định mới, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao sau khi được Quốc hội bầu sẽ tiếp tục tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội.
Lễ nhậm chức với lời tuyên thệ long trọng của các vị lãnh đạo chủ chốt đứng đầu Nhà nước, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với việc ủy thác quyền lực của mình, bảo đảm rằng, quyền lực nhà nước phải được sử dụng liêm chính vì lợi ích quốc gia dân tộc.
Việc các vị lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước ta thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức theo luật định tại kỳ họp Quốc hội lần này, là sự kiện ghi thêm dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Những lời tuyên thệ thực hiện theo quy định mới lần này như sự tiếp nối lịch sử chính trị pháp lý của đất nước, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc lời tuyên thệ nhậm chức sau khi Chính phủ đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội bầu cách đây 70 năm (ngày 2/3/1946).
Đó là lời thề đã vang vọng vào lịch sử dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng tôi, Chính phủ kháng chiến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tối cao Cố vấn đoàn và Ủy viên Kháng chiến hội, trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, xin thề, xin cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền Dân chủ Cộng hòa Việt Nam, mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Trong công việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi khó khăn, dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ.”.
Sau khi được bầu làm người đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố: “Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan, phát tài.”, và Người đã khẳng định: “Tuy trong quyết nghị không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết.”.
Lời thề năm ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục làm lay động lòng người, tạo nên sức mạnh hiệu triệu quốc dân đồng bào không phân biệt thành phần, giai cấp, đảng phái, vùng miền, tiếp tục vùng lên hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân vẻ vang, giành lại nền độc lập cho Tổ quốc.
Ngày nay, hình ảnh tuyên thệ trang nghiêm của nguyên thủ quốc gia và các vị đứng đầu các cơ quan thực thi quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, đã và sẽ được nhanh chóng chuyển tải rộng rãi trên mạng lưới truyền thông trong thời đại hội nhập sâu rộng, càng có ý nghĩa tích cực tác động đến nỗ lực của toàn xã hội vượt qua khó khăn, thách thức.
Việc Chủ tịch nước tuyên thệ nhậm chức, chắc chắn càng làm cho tính tối cao của Hiến pháp được bảo đảm, cam đoan vững chắc về trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ lợi ích quốc gia. Tuyên thệ của Chủ tịch nước thể hiện tính chính đáng, với vai trò nguyên thủ quốc gia, vừa là trung tâm chính trị, vừa là trung tâm đoàn kết của dân tộc.
Vị trí đứng đầu Nhà nước, thay mặt cho đất nước, đại diện cho sự tập trung, thống nhất, đoàn kết quốc gia, nguyên thủ quốc gia có vai trò đặc biệt trong hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước. Bởi vậy, sự tuyên thệ của người đứng đầu Nhà nước là hành vi thiêng liêng cao cả, tạo nguồn cảm hứng đoàn kết các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực cho sự đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Bên cạnh đó, việc tuyên thệ nhậm chức của những người được giao trọng trách chủ chốt đứng đầu các cơ quan thực thi quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, thể hiện thêm tính vẹn toàn của bộ máy quyền lực nhà nước.
Tuyên thệ của các lãnh đạo cao nhất của các cơ quan quyền lực nhà nước còn là sự cam kết công khai mạnh mẽ việc thực hiện nhiệm vụ được giao, sử dụng pháp luật trong quản trị quốc gia được thực hiện bởi Nhà nước pháp quyền XHCN. Đó cũng chính là lời thề trung thành với những giá trị mà cả dân tộc đang theo đuổi, hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Đảng cầm quyền vào cuộc sống để quốc gia phát triển thịnh vượng.
Lời tuyên thệ nhậm chức của các lãnh đạo đứng đầu cơ quan quyền lực nhà nước, theo nghị trình làm việc, đã và sẽ tiếp tục được thực hiện tại kỳ họp Quốc hội lần này, hẳn không dừng lại như thông lệ với những phát biểu cảm tưởng thuần túy khi nhận nhiệm vụ hay sự khái quát cô đọng về chương trình hành động, thực thi trách nhiệm được giao. Đây còn là lời thề trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.
Những lời tuyên thệ nhậm chức này tạo cơ sở quan trọng cho nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với những người giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Tuyên thệ không chỉ là nghi thức thuần túy hình thức mà là sự cam kết về trách nhiệm cá nhân trước Quốc hội, trước Nhân dân. Đồng bào cử tri và nhân dân cả nước có quyền hy vọng và có quyền giám sát sau lời hứa là những chương trình hành động hiệu quả được lãnh đạo Nhà nước cùng bộ máy công quyền thực hiện một cách đầy đủ trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả.