Bao giờ đường sắt đô thị về đích?
Sáng 31/3 Báo Hà Nội Mới tổ chức cuộc tọa đàm “Tăng cường công tác an toàn, đảm bảo giao thông xây dựng các tuyến đường sắt đô thị”. Câu hỏi được đặt ra là bao giờ 2 tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội và tuyến Cát Linh-Hà Đông về đích để giải tỏa những bức xúc của giao thông nội đô được nhiều người dân quan tâm vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.
Các tuyến đường sắt đô thị chậm về đích sẽ làm cho giao thông Hà Nội thêm căng thẳng.
Giúp hạ nhiệt nhưng lại làm giao thông thêm nóng bỏng
Thượng tá Nguyễn Văn Tòng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội cho biết, các tuyến đường sắt đô thị được làm trên các tuyến đường giao thông huyết mạch của Thủ đô cho nên sự xuất hiện các dự án đã khiến giao thông ở các tuyến đường này vốn đã căng thẳng càng thêm bức xúc.
Có những nơi đất dành cho thi công lấn gần hết phần đường dành cho giao thông (đất còn lại cho giao thông chỉ còn 5m vừa đúng 1 chiếc xe buýt). Đó là lý do khiến một số tai nạn đã xảy ra. Trong khi đó, thời gian thi công kéo dài đã gây ảnh hưởng cho người đi đường, gây mất an toàn.
Phân tích rõ về tình trạng mất an toàn giao thông tại các tuyến đường này, ông Tòng chia sẻ: “Có đi sâu vào kiểm tra, giám sát bên trong các công trình mới thấy nhiều tồn tại. Những nhà chuyên môn bên Sở LĐ-TB&XH cho hay, các máy hàn lớn để ngoài mưa không che chắn, người đi bên ngoài sẽ bị điện giật; hàng rào bên trong vô cùng cẩu thả, dây điện buộc loằng ngoằng, các mối hàn chắp vá.
Các khối sắt để ráp hàng rào, dễ lật xuống, gây nguy hiểm cho người đi bên ngoài... Đó là lý do khiến những vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra”. Ông Tòng đề nghị, nhà thầu, chính quyền thành phố cần đẩy nhanh tiến độ các công trình này tránh ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống người dân cũng như hạ nhiệt ùn tắc giao thông ở những tuyến đường huyết mạch này.
Thời gian hoàn thành chưa có mốc cụ thể
Ông Vũ Ngọc Phụng, Chủ tịch Quận Hà Đông nói, dù trên phương tiện thông tin đại chúng có thông báo tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sẽ hoàn thành vào năm 2016 nhưng nếu cứ để tình trạng lác đác có vài công nhân làm ở tuyến đường này thì chắc chắn sẽ chậm tiến độ.
Ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, nhiều rào chắn không hợp lý, có những chỗ rào chắn mà không thi công khiến đất dành cho giao thông đã ít lại thêm ít. Ông Thái đề nghị chủ đầu tư phải cam kết thực hiện công trình đúng tiến độ như đã ký trong hợp đồng, phải có thời hạn hoàn thành công trình. Ở địa phương, người dân đặt nhiều câu hỏi bao giờ dự án về đích, chúng tôi đã không thể trả lời.
Ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, người dân rất ủng hộ xây dựng các tuyến đường, việc giải phóng mặt bằng rất gọn để dành đất cho các công trình. Tuy nhiên, muốn người dân ủng hộ chủ đầu tư phải phối hợp với chính quyền công khai minh bạch các giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị. Người dân hỏi bao giờ lao dầm, bao giờ hoàn thành công trình, chúng tôi không trả lời được.
Trả lời câu hỏi các dự án này bao giờ hoàn thành, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, câu trả lời chính xác thuộc về các chủ đầu tư. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên chỉ tiên lượng về thời gian hoàn tất thi công, còn khẳng định chính xác bao giờ xong thì rất khó.
An toàn là mục tiêu hàng đầu
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2016 tuyến Cát Linh-Hà Đông phải đưa vào vận hành, còn tuyến Nhổn-Ga Hà Nội hoàn thành vào năm 2018, tuy nhiên, tiến độ này có thể chậm.
Trần tình về những lý do khiến tuyến đường sắt này chậm tiến độ, Phó Trưởng Ban Quản lý dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội Lê Huy Hoàng cho biết: Đây là công trình thí điểm nên khi bắt tay vào việc chúng tôi bị vướng rất nhiều, chúng tôi phải vừa làm vừa tham khảo kinh nghiệm của các dự án khác của nước khác nên tiến độ chậm. Chúng tôi sẽ cố gắng làm sao tránh ảnh hưởng nhất đến cuộc sống của người dân - ông Hoàng nói.
Về vấn đề làm thế nào để người dân ít bị ảnh hưởng ông Hoàng cho biết, các nhà thầu đang tập trung vào giải quyết vấn đề đó.
Ông Hoàng cho biết thêm, hiện tuyến Nhổn-Ga Hà Nội đang thi công đến Ga Giám, đảm bảo các nhà ga sẽ thu gọn, dự kiến đến quý 3 sẽ giảm hàng rào, thu gọn, trả lại tối đa mặt bằng cho người dân đi lại. Đối với vấn đề đảm bảo an toàn cho người dân trong khi thi công, theo ông Hoàng sau khi có sự cố xảy ra vào tháng 5/2015, Ban Quản lý dự án đã nghiêm túc rút kinh nghiệm nên đã không xảy ra sự cố nào tiếp theo. Cuối năm 2015 đã yêu cầu nhà thầu tăng thêm 2 nhà giám sát nước ngoài để đảm bảo an toàn cho công trình.
Trả lời câu hỏi, rất nhiều người dân lo ngại đoạn đường từ nhà đến tuyến đường sắt sẽ đi cái gì? Ông Nguyễn Xuân Tân cho biết, Sở GTVT sẽ xử lý việc này ngay, sẽ có tờ rơi, tuyên truyền, hướng dẫn để người dân có thể lựa chọn các phương tiện, nhưng chắc chắn với các tuyến cuối như Ga Nhổn, Hà Đông phải kết nối giữa các tuyến với loại hình xe buýt mới giải quyết được hết các vấn đề. Về vấn đề hệ thống vé, để hành khách đi lại thuận tiện thì TP đã ban hành khung tiêu chuẩn về vé, thẻ để các dự án sau này có thể liên kết tốt với nhau.