Ca ghép gan giữa 2 bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên thành công

K.Thi 01/04/2016 09:05

Mới đây, các bác sỹ phẫu thuật của Mỹ đã thực hiện thành công ca cấy ghép gan đầu tiên trên thế giới giữa hai bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS. Kết quả này được đánh giá sẽ mở ra hy vọng mới giúp cứu sống nhiều bệnh nhân nhiễm căn bệnh thế kỷ thông qua việc cấy ghép nội tạng.

Trao đổi với báo giới ngày 30/3, giáo sư ngoại khoa Dorry Segev thuộc Đại học John Hopkins thông báo ca cấy ghép gan này đã được tiến hành cách đây vài tuần và đã cho kết quả tốt đẹp. Hiện sức khỏe của cả người nhận và người hiến tạng đang hồi phục tích cực sau cuộc đại phẫu.

Cũng theo Giáo sư Segev, nghiên cứu cho thấy mỗi năm có khoảng 500 đến 600 bệnh nhân nhiễm virus HIV/AIDS tử vong trong khi các cơ quan nội tạng khỏe mạnh để có thể hiến tạng. Do đó, việc cho phép sử dụng nội tạng của họ để cấy ghép cho những bệnh nhân nhiễm HIV khác sẽ giúp cứu sống khoảng 1.000 người mỗi năm.

Trong một tuyên bố, Hiệp hội Y khoa HIV đã hoan nghênh ca phẫu thuật trên, nhấn mạnh việc cấy ghép tạng giữa những người sống chung với HIV sẽ mang lại cơ hội cứu sống hàng trăm bệnh nhân nhiễm virus nguy hiểm này vốn đang hàng ngày chống chọi với các bệnh về gan và thận.Hiệp hội này cũng kỳ vọng “bước tiến y tế” này sẽ mang lại hy vọng cho nhiều bệnh nhân nhiễm HIV đang cần được ghép tạng hơn nữa trong tương lai.

Ca cấy ghép nội tạng thành công trên là kết quả của Đạo luật Chính sách đồng đều về ghép tạng cho bênh nhân nhiễm HIV (HOPE ACT) được Tổng thống Mỹ Barack Obama ký ban hành hồi năm 2013, qua đó mở đường cho việc cấy ghép nội tạng giữa những người bị nhiễm loại virus gây suy giảm hệ miễn dịch.

Trước đó, luật pháp Mỹ không thừa nhận việc cấy ghép nội tạng giữa các bệnh nhân nhiễm HIV, và do đó những bệnh nhân HIV chỉ được nhận từ những người hiến tặng nội tạng không bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, do lượng người hiến tạng ít nên rất nhiều bệnh nhân nhiễm HIV đã tử vong trước khi họ được phẫu thuật ghép tạng. Theo thống kê, có khoảng 122.000 người tại Mỹ đang chờ được ghép tạng, trong đó hàng nghìn người đã qua đời trong thời gian chờ đợi được phẫu thuật.

Trước đó, một số ca ghép thận giữa các bệnh nhân HIV đã được thực hiện tại Nam Phi. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện này là các bác sỹ có thể phải đối mặt với việc những bộ phận cấy ghép này có thể khiến người nhận có nguy cơ cao nhiễm phải một chủng HIV nguy hiểm hơn so với chủng HIV bản thân họ đã bị nhiễm.

K.Thi