Ai Cập bị cáo buộc có ý định theo dõi người dùng Internet
Ai Cập hiện đang bị nghi ngờ có ý định thu thập thông tin tình báo kiểu “nghe lén” đối với những người sử dụng Internet. Vụ việc bị phanh phui sau khi nước này cấm cửa dịch vụ Free Basics của Facebook hồi cuối năm ngoái do công ty này từ chối cho phép chính phủ theo dõi người dùng, hãng tin Reuters hôm 1/4 đưa tin.
Ảnh minh họa.
Free Basics, một dịch vụ cung cấp Internet miễn phí của Facebook được triển khai ở Ai Cập hồi tháng 10 năm ngoái, có mục tiêu thu hút khách hàng thu nhập thấp, cho phép bất cứ ai có máy tính hoặc điện thoại di động thông minh tạo một tài khoản Facebook và truy cập có hạn chế vào Internet mà không tính phí.
Chính phủ Ai Cập đã cho ngừng dịch vụ này từ ngày 30/12 năm ngoái, với lý do rằng nhà cung cấp mạng Etisalat chỉ được quyền cung cấp dịch vụ tạm thời trong 2 tháng. Tuy nhiên, Reuters dẫn 2 nguồn tin biết về cuộc thảo luận giữa Facebook và chính phủ Ai Cập, nói rằng Free Basics bị chặn là do công ty này từ chối việc chính phủ muốn lách khỏi cơ chế bảo mật của dịch vụ này để theo dõi người dùng.
Hiện nay, khi câu chuyện mới chỉ được hé lộ, cả phía Facebook và nhà mạng Etisalat đều từ chối đưa ra bình luận, Reuters cho hay.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Thông tin Ai Cập, ông Mohamed Hanafi, đã bác bỏ cáo buộc về việc họ muốn nghe lén người dùng Facebook, đồng thời chỉ ra những lý do mà chính phủ nước này chặn dịch vụ Free Basics.
“Do dịch vụ này không tính cước phí, nên các nhà điều hành viễn thông quốc gia coi nó là gây tổn hại cho các công ty cạnh tranh khác” - ông Hanafi nói.
Được biết Free Basics, hiện đang có mặt ở 37 quốc gia đông dân của thế giới, là tâm điểm trong chiến lược phát triển toàn cầu của Facebook. Công ty này không hề bán quảng cáo trên phiên bản Free Basics trên website và ứng dụng, mà nhằm thu hút lượng lớn người sử dụng tiềm năng, những người không có khả năng tạo tài khoản Facebook.
Facebook còn tuyên bố rằng họ đã thu hút hơn 3 triệu người Ai Cập sử dụng Free Basics trước khi nó bị chặn, và 1 triệu người trong số này trước đây chưa từng được truy cập Internet. Hiện trang chủ Facebook vẫn hoạt động ở Ai Cập, quốc gia có dân số khoảng 90 triệu người.
Tranh cãi liên quan tới ứng dụng Free Basics của Facebook hiện đang thu hút được sự quan tâm của thế giới và các chuyên gia an ninh mạng. Nó cho thấy một trong số các vụ việc ít biết mà trong đó một công ty Internet toàn cầu từ chối đề nghị của chính phủ một nước về quyền truy cập đặc biệt để rồi sau đó bị buộc phải ngừng hoạt động.
Nhưng kể từ trước khi vụ việc xảy ra thì Free Basics cũng nhận được không ít chỉ trích của các nhà hoạt động vì Internet trên khắp thế giới, chủ yếu là từ Ấn Độ. Các chỉ trích cho rằng, Free Basics đã vi phạm tính trung lập của mạng Internet khi cho phép một nhóm người nhất định truy cập miễn phí vào các website và doanh nghiệp, điều này vô hình chung đã đẩy những nhóm người dùng khác vào thế bất lợi.
Hồi tháng Hai vừa qua, các nhà điều hành Ấn Độ đã đưa ra các quy định mới, trong đó ngăn chặn Free Basics ở nước này sau 2 tháng ròng thăm dò ý kiến dư luận. Về phía Ai Cập, ông Hanafi cũng chỉ ra trường hợp Ấn Độ như một ví dụ để lý giải quyết định của họ.
Thắt chặt an ninh
Vấn đề này xuất phát từ việc một số người dùng không thể vượt qua các kênh mã hóa để truy cập vào các website được bảo vệ - các địa chỉ bắt đầu bằng HTTPS. Điều đó có nghĩa rằng, những khách hàng sử dụng hòm thư có cơ sở website có thể bị lộ thông tin. Chính quyền cũng có khả năng theo dõi xem ai đã vào các website cụ thể nào.
Do đó, hồi tháng 9 năm ngoái, Facebook đã bắt đầu thắt chặt các biện pháp bảo mật đối với Free Basics sau khi nhận một số chỉ trích về quyền riêng tư cá nhân. Giờ đây, những người sử dụng ứng dụng Free Basics trên di động có thể trực tiếp truy cập vào các trang được bảo vệ bằng mã hóa, một cách an toàn hơn.
Hiện chưa rõ liệu các biện pháp thắt chặt an ninh mới này có phải là một nguyên nhân mà chính phủ Ai Cập chặn Free Basics hay không và cũng không rõ liệu nước này có đưa ra yêu cầu tương tự đối với các nhà mạng khác trong nước hay không?.