Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội: Kiên quyết chống 'giặc nội xâm'
Bức xúc trước tình trạng tham nhũng, nhiều ĐBQH đề nghị trong giai đoạn 2016-2020, chống “giặc nội xâm” phải như quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ... khi Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020, ngày 1/4.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên thảo luận tại Hội trường, ngày 1/4.
Căn cơ tái cơ cấu nông nghiệp
Chỉ ra thực trạng thời gian qua chúng ta ít quan tâm đến kinh tế tư nhân và hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, chính vì ít quan tâm cho nên còn manh mún nhỏ lẻ cho nên không thể đưa khoa học công nghệ vào được; Từ đó ĐB Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) đề nghị nhất thiết kinh tế tư nhân, hợp tác xã phải gắn với chuỗi giá trị sản phẩm thì mới giúp cho HTX.
“Thực tế đầu tư cho HTX quay vòng vốn khá nhanh, 3 tháng có thể được một lứa lợn, một đợt rau, vừa giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động. Phát triển HTX chính là xây dựng nông thôn mới, vì vậy cần hệ thống chính sách để thúc đẩy kinh tế tư nhân và HTX phát triển”- ông Cự bày tỏ.
Đề cập đến vấn đề nông dân, nông thôn, ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đăk Nông) đề nghị, phải giải quyết căn cơ tái cơ cấu nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp trong và ngoài nước.
“Vừa qua, ngành ngân hàng có đề ra và thực hiện chủ trương dùng vốn tín dụng cho vay tái canh cà phê với lãi suất thấp so với cho vay trung, dài hạn cùng loại, ngân hàng đã phối hợp với địa phương thực hiện rất tốt chương trình này, đã hoàn thành các nội dung cơ bản để đẩy mạnh giải ngân. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu chúng ta có chính sách, có chiến lược tạo ra một thị trường nông sản tương đối ổn định, người dân trồng cà phê hình dung được tương lai giá cả sản phẩm làm ra tươi sáng thì tái canh cà phê trở thành nội dung tự giác của người trồng cà phê, chứ không đợi đến chương trình hỗ trợ của ngân hàng như hiện nay”- bà Hạnh nói.
ĐB cũng đề nghị Chính phủ cần có chính sách khoanh nợ cho người dân vay vốn ngân hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiên tai, hạn hán. Ở một khía cạnh khác, ĐB Lê Công Đỉnh (Long An) đề nghị phải đầu tư khoa học công nghệ, quy hoạch kết cấu hạ tầng thủy lợi cấp nước cho nông nghiệp.
ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên- Huế) lưu ý ba vấn đề: Nước sạch, rau sạch, hàng hóa sạch và tai nạn giao thông cần phải làm quyết liệt. Theo ĐB, các giải pháp phải có chỉ tiêu định lượng, trong đó nêu rõ vai trò trách nhiệm của lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, địa phương để nâng cao tinh thần trách nhiệm.
Kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí
Còn theo ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cần quản lý chặt chẽ hơn việc sử dụng các nguồn vốn vay lớn, tình hình bội chi, kéo giảm nợ công. Tương tự, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng, “Nợ công tăng nhanh, giảm lãi suất ngân hàng gặp khó khăn, nợ Chính phủ vượt trần thì phải giải thích rõ cho cử tri. Cần giám sát nợ công, nợ nước ngoài, kiểm soát chặt các khoản vay ODA, chỉ dành cho “cấp thiết” chứ không phải “cần thiết”.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) phát biểu.
Đề cập đến vấn đề phòng chống tham nhũng, lãng phí, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị phải rất coi trọng giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí. ĐB cũng băn khoăn bày tỏ khi cho rằng chống tham nhũng còn nể nang né tránh, còn lãng phí thì chưa thấy ai bị kỷ luật cả. “Kỳ này mong Thủ tướng Chính phủ mới thể hiện quyết tâm phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Quyết tâm chống “giặc nội xâm” phải như quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”- ông Hùng nói.
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) phát biểu.
Cũng về vấn đề này, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho biết, nhiều ĐB lo ngại “quốc nạn có nguy cơ hạ đo ván quốc sách”. Chính vì thế, việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí phải được đẩy mạnh, quyết liệt.
ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội): Đừng để nông dân bị ăn chặn Nông thôn của ta chiếm tới 67% dân số đang sống, lại đảm bảo an ninh lương thực, cho nên cần quan tâm tới nông nghiệp. Làm sao cho nông nghiệp đi lên bền vững gạo sạch, thịt ngon không độc hại. Làm sao để người nông dân thu lại giá trị đúng với 1 nắng 2 sương không bị phi thương ăn chặn. ĐBQH Thân Đức Nam (Đà Nẵng): Cần chính sách mang tính đột phá Chúng ta đặt ra tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt từ 6,5% đến 7%/ 1 năm cho giai đoạn 2016 - 2020, đến năm 2020 đạt GDP theo đầu người từ 3.200 USD đến 3.500 USD. Tôi cho như vậy là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên để sau 10 năm GDP tuyệt đối gấp đôi hiện nay, khoảng 400 tỷ USD vào năm 2025 thì tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm phải đạt 7,5% /1 năm. ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên- Huế): Xây dựng thế trận liên hoàn trên biển Dù ngân sách khó khăn nhưng luôn phải ưu tiên xây dựng lực lượng vũ trang, cho nên 5 năm tới cần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận phòng thủ các tỉnh thành và biên giới, nhân tài vật lực cho thế trận toàn dân, phòng thủ biển đảo, kiện toàn tổ chức trên biển, xây dựng thế trận liên hoàn trên biển, trang bị các tàu, quốc phòng kết hợp với kinh tế. |
Nhóm PV