Nguy hiểm rình rập trường học

Vũ Linh 03/04/2016 09:10

Dù Công an TP HCM đã khẳng định chắc chắn không có chuyện bắt cóc trẻ em như những tin đồn trong thời gian qua nhưng nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh thì không dễ xua tan. Đã thế, chiều 28/3 tại Trường tiểu học N. Q. đường số 3, khu dân cư Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP HCM, một thanh niên xăm trổ đầy mình đã xông vào trường tiểu học để tìm một học sinh lớp 3, khiến phụ huynh thêm phần hốt hoảng.

Nguy hiểm  rình rập trường học

Học sinh mầm non, tiểu học rất cần được quan tâm bảo vệ,
đặc biệt là ở thời điểm tan học.

Siết lại khâu bảo vệ

Thông tin về nạn bắt cóc trẻ em rộ lên nhiều ở các tỉnh thành phía Nam nhưng nỗi lo thì lan ra cả nước. Tới các trường học từ mầm non đến THPT, thời gian này ở Hà Nội chúng tôi nhận thấy tâm lý cảnh giác được lan truyền tới hầu hết học sinh, phụ huynh và bản thân các trường đều đẩy mạnh, tăng cường các hình thức bảo vệ học sinh, đặc biệt là khâu bảo vệ.

Tại hầu hết các trường, đội ngũ bảo vệ các trường được quán triệt không cho người lạ mặt vào trường trong lúc học sinh vào đang học và giờ tan trường. Chẳng hạn, ở Trường Mầm non Bim Bon (Linh Đàm), ban giám hiệu bố trí 2 bảo vệ, nhân viên túc trực tại cổng để kiểm soát việc đưa đón học sinh bên ngoài. Còn tại lớp, giáo viên trực tiếp nhận và trả trẻ cho cha mẹ hoặc người thân mà gia đình đã đăng ký thường xuyên đến đón trẻ.

Cô Nguyễn Thanh Trà- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Không chỉ chặt chẽ ở tất cả các khâu, trong giờ lên lớp cô giáo cũng thường xuyên kết hợp vào một số bài giảng phù hợp để nhắc nhở trẻ những kỹ năng ứng phó cơ bản khi gặp tình huống bắt cóc hay bị dụ dỗ. Tất nhiên mức độ ghi nhớ của trẻ nhỏ không nhiều nhưng việc thường xuyên nhắc nhở cũng có thể giúp trẻ nhập tâm.

Tương tự, tại nhiều trường mầm non trong thành phố đều có nội quy dán ở bảng thông báo ngay cổng trường để phụ huynh nâng cao cảnh giác và phối hợp chặt chẽ khi đưa đón học sinh. Hầu hết các trường đều có yêu cầu cơ bản như: Phụ huynh đưa trẻ đến lớp phải giao tận tay cho giáo viên, không để trẻ đi lên lớp, tự do chơi ở sân một mình. Nếu không trực tiếp đến đón trẻ được thì cha mẹ phải đăng ký cụ thể thông tin của người được ủy quyền, nếu không giáo viên sẽ không giao trẻ khi chưa có thông báo của phụ huynh...

Khá nhiều trường tiểu học trong thành phố có gắn camera ở hành lang và sân trường để bảo vệ học sinh. Ở tại phòng bảo vệ, đội ngũ bảo vệ có thể theo dõi, quan sát từ nhiều vị trí, sự xuất hiện của các đối tượng lạ mặt sẽ được ghi lại và cảnh báo ngay nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.

Cô Nguyễn Thu Hảo- Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Yên (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Những thông tin thực hư về việc bắt cóc trẻ em trong thời gian vừa qua, không chỉ khiến phụ huynh lo lắng mà nhà trường cũng băn khoăn. Vì thế về phía nhà trường, Ban giám hiệu đã yêu cầu lực lượng bảo vệ lưu ý giám sát, kịp thời phát hiện những trường hợp khả nghi.

Về phía gia đình phải nâng cao cảnh giác không nên cho trẻ đeo nữ trang, mang tiền, điện thoại... để phòng tránh việc người lạ trà trộn vào thời điểm đông người gây mất an toàn cho học sinh. Ngoài ra, bà Hảo cho biết thêm, nhà trường cũng đề nghị giáo viên nhắc nhở học sinh và đưa ra các tình huống cụ thể thường gặp giúp học sinh tự bảo vệ trước người lạ ở bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên, bà Hảo cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng dễ gieo vào trẻ nhỏ nỗi lo sợ có thể ảnh hưởng đến việc học tập.

Chị Thanh Hương (khu chung cư Linh Đàm, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) có con gái đang học lớp 4, lo lắng: “Gần đây xuất hiện nhan nhản thông tin về các vụ bị bắt cóc, dụ dỗ trẻ em… chưa biết thực hư thế nào, nhưng hầu hết mọi người đều khá lo lắng. Gần đây đưa con đến trường phải dắt con vào tận lớp chứ không dám thả ở sân như mọi khi”.

Bà Năm (Thanh Nhàn, Hà Nội) cho biết: Ngày nào cũng dặn dò cháu chỉ chơi trong trường, tan học phải ở trong lớp hoặc trong sân, không được ra ngoài đường. Nhưng trẻ nhỏ đang tuổi hiếu động, làm sao mà nhớ hết được. Trong những thời điểm này trẻ rất dễ bị dụ dỗ bắt cóc. Nếu không may chuyện đó xảy ra thì thật khủng khiếp.

Trang bị và phát huy kỹ năng sống

Dù vô cùng lắng nhưng nhiều phụ huynh hiện nay vẫn hoang mang, chưa có giải pháp tối ưu nào để bảo vệ an toàn cho con. Phân tích về vấn đề này, ThS tâm lý Nguyễn Ngọc Duy- Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt TP.HCM, cho rằng không ít phụ huynh hiện nay bao bọc con cái quá kỹ hay nói cách khác là chăm sóc đến tận răng, cái gì cũng có người lớn hỗ trợ khiến con mất dần khả năng ứng phó trước khó khăn, người lạ. Ngược lại, nghĩ đơn giản, thích khoe khoang, thường đưa hình con, những thông tin cá nhân của gia đình, trường con học... lên mạng xã hội sẽ vô tình trở thành mục tiêu cho những kẻ xấu nhắm đến.

Cũng theo ông Duy, trước những thông tin về việc bắt cóc trẻ em hiện nay, phụ huynh cần có thái độ bình tĩnh và cần trang bị cho con trẻ kỹ năng ứng phó với người lạ. Cụ thể như hướng dẫn trẻ nói không với những lời mời gọi, dụ dỗ của người lạ, tập thói quen xin phép để cha mẹ biết con cái đi đâu và đi với ai. Giúp trẻ nhớ một vài số điện thoại cần thiết của một vài người trong gia đình hoặc số cứu hộ là 113 để có thể dùng đến khi cần. Ngoài ra, cha mẹ nên đưa ra các tình huống giả sử về việc bị người lạ dụ dỗ, đe dọa rồi cùng trẻ sắm vai để hướng dẫn cách trẻ giải quyết vấn đề. Những thử nghiệm này rất hữu ích khi sự cố không may xảy ra.

Theo PGS.TS, Thượng tá Trần Thế Hưởng- Phó Trưởng khoa Cảnh sát hình sự, Học viện Cảnh sát Nhân dân, người mới đây đã hoàn thành một công trình nghiên cứu khoa học về nạn bắt cóc trẻ em thì có khoảng gần 20.000 vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em diễn ra mỗi năm, trong đó, số vụ bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản lên tới 45 - 50 vụ trong một năm.

ThS tâm lý Đào Lê Hòa An- Ủy viên BCH Trung ương Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam lưu ý, phụ huynh không nên cho trẻ mặc hoặc đeo bất cứ đồ vật gì có ghi tên con mình, kẻ xấu thường lợi dụng thông tin này để giả danh như người quen biết với con bạn. Cần dạy cho con mình hét lên thật to khi phát hiện người lạ cố tình dụ dỗ hoặc dùng vũ lực, hãy la lên khi bị ép giữ im lặng, hãy kể cho người khác biết khi bị ép giữ bí mật. Đặc biệt khi trẻ ở nhà một mình, nếu có bất kỳ người lạ nào hỏi thăm đều không được mở cửa và ngay lập tức thông báo cho bố mẹ qua điện thoại.

Trong tình huống xấu nhất, theo Thượng tá Trần Thế Hưởng, nếu gặp phải tình huống con em mình bị các đối tượng bắt cóc, phụ huynh cần bình tĩnh và khẩn trương, bí mật báo với cơ quan Công an thông qua số điện thoại đường dây nóng 113. Thượng tá Trần Thế Hưởng cũng khuyến cáo phụ huynh cần tin tuyệt đối với cơ quan chức năng, phải hợp tác chặt chẽ.

Trong một nỗ lực khác có tính lâu dài và thường xuyên, cô Nguyễn Nhung- giáo viên thể dục Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) khuyến nghị các bậc phụ huynh nên khuyến khích con rèn luyện thể thao, học võ để nâng cao sức khỏe, thể lực có thể đối mặt và xử lý nhanh nhẹn một số tình huống nguy hiểm cho bản thân và bạn bè trước khi có sự hỗ trợ của người lớn hay lực lượng chức năng.

Vũ Linh