Trải nghiệm Hội An theo cách riêng
Mỗi năm Hội An (Quảng Nam) đón hàng triệu du khách quốc tế, nhưng thành phố nhỏ bé này lại không hề bị tác động bởi “cơn lốc” hội nhập. Phố Hội bao năm qua vẫn luôn là nơi lý tưởng với người ưa “sống chậm” ... mà tìm một nơi để cảm nhận cuộc sống yên bình đang ngày càng hiếm hoi.
Du khách nghỉ chân ở khu phố cổ.
Tới Hội An, bạn không chỉ được sống trong không gian bình yên của khu phố cổ được UNESCO vinh danh di sản thế giới. Thời gian qua, điểm đến này lần lượt được các trang web du lịch uy tín quốc tế xếp hạng: Hội An lọt top 10 điểm đến có khách sạn tuyệt nhất thế giới; Hội An lọt top thành phố có kênh đào đẹp nhất thế giới; Hội An nằm trong danh sách 25 điểm đến ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới; Hội An lọt top 20 nơi “sống đêm” tuyệt nhất hành tinh...và mỗi năm điểm đến này đón hàng triệu du khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng có một điều đáng ngạc nhiên là không vì thế mà du lịch Hội An bị thương mại hóa hay “cơn lốc” hội nhập làm nhạt phai bản sắc. |
Giờ là thời điểm lý tưởng nhất để đến Hội An, vì từ tháng 2 đến tháng 4 hằng năm Quảng Nam mưa ít, thời tiết dễ chịu.
Từ Hà Nội, chúng tôi đi tàu tới Đà Nẵng rồi từ đó đi ôtô vào Hội An vào một buổi sớm trong lành. Khu phố cổ vẫn còn ngái ngủ, nhưng nhiều du khách đã lóc cóc xe đạp dạo quanh con đường nho nhỏ để hít căng lồng ngực thứ không khí tinh khiết. Ấn tượng đầu tiên khi tới đây là những bức tường vàng rêu phong, cổ kính của khu phố cổ. Nhà cửa ở đây không hiện đại, cao sang nhưng lại mang vẻ duyên dáng, quyến rũ lạ lùng. Hay kiến trúc Chùa Cầu được các thương nhân Nhật xây dựng khoảng thế kỷ XVII đậm nét Việt Nam, hài hòa trong tổng thể khu đô thị cổ Hội An...
Quả thật, chúng tôi cảm mến vùng đất này qua lời miêu tả của một nữ blogger du lịch người Anh, cổ kể rằng,chính nhịp sống êm đềm tại Hội An, một nơi như được vẽ nên từ truyện cổ tích đã khiến cô muốn nán lại lâu hơn dự định. Vì vậy, nhóm của chúng tôi quyết định khám phá Hội An theo hành trình thú vị của cô.
Chúng tôi ghé khu phố cổ tìm một chỗ nghỉ ngơi. Căn nhà nằm trong con ngõ nhỏ, có giàn hoa giấy nở bung một màu tím hồng, bên hiên nhà được trang trí những chiếc đèn lồng. Chủ nhà niềm nở đón tiếp chúng tôi, ông hướng dẫn tận tình và không quên gửi tới chúng tôi nụ cười trìu mến. Thưởng thức xong tô mì quảng và ly cà phê do bà chủ nhà chế biến rất vừa miệng, chúng tôi bắt đầu đạp xe tới bãi biển An Bàng (cách trung tâm Hội An 3 km về phía Bắc). Cùng với thời điểm chúng tôi tới Hội An, trang web du lịch lớn nhất thế giới TripAdvisor cũng công bố danh sách 25 bãi biển tuyệt vời nhất do du khách bình chọn. Trong đó, bãi biển An Bàng, Hội An xếp thứ 16. Trước đó, năm 2014, An Bàng cũng lọt top 100 bãi biển đẹp nhất hành tinh do CNNGo bình chọn. An Bàng biển xanh tuyệt đẹp, bờ cát trắng sạch sẽ. Đến đây, chúng tôi thỏa sức vẫy vùng của sóng biển. Điểm đáng yêu nhất của An Bàng là sự thanh vắng. Du khách có thể lắng nghe được tiếng vang vọng của sóng biển rì rào, những cơn gió lao xao lùa qua hàng cây, kẽ lá rồi tan vào không gian. Giữa sự thinh lặng ấy, mọi cảm xúc nặng nề bất chợt biến mất, chỉ còn lại những niềm vui đơn sơ, giản dị khi được hòa mình và cảm nhận thiên nhiên.
Trở lại với phố Hội, bạn đừng quên sắm cho mình một bộ áo dài truyền thống. Có đến cả trăm cửa hiệu may nằm san sát trên khắp các con phố, điều này đồng nghĩa với việc du khách thả ga lựa chọn đặt may quần áo, giày dép hay túi vải. Nhưng bạn cũng nên dành thời gian ngắm các cửa hàng và chọn chất liệu ưng ý trước khi đặt hàng. Nếu gặp bộ nào vừa mắt vừa dáng, có thể mua tại chỗ hoặc người thợ sẽ lấy số đo để may theo ý khách. Tôi và người bạn sắm mỗi người một bộ quần áo dài lụa tơ tằm với giá cả vừa phải. Thời trang may đo ở phố cổ với mức giá từ 30 đến 100 USD .
Và tới Hội An, ngoài thời gian dành cho khu phố cổ, bạn cũng nên đi tìm những nét văn hóa sâu thẳm của Hội An từ vùng ngoại ô, như làng gốm Thanh Hà nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách khu phố cổ khoảng 2km về hướng Tây. Đến đây, du khách dễ nhận ra bởi từ con đường, góc sân đến mái ngói đều được làm từ đất nung. Một cảm giác thật bình yên với không gian xanh của hàng cau trước ngõ và sản phẩm gốm vừa mới tạo hình xong đang được phơi nắng. Làng quê thanh bình Thanh Hà với nghề làm gốm này có từ thế kỷ 15-16, là nơi mà nhiều khách nước ngoài, hoặc những người mê gốm sứ vẫn thường ghé qua. Sản phẩm chủ yếu của người thợ Thanh Hà là các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày như chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh, hình thù các con vật... mang nhiều kiểu dáng, màu sắc phong phú và đặc biệt nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại của những địa phương khác. Có lẽ một phần nhờ đất sét của dòng sông Thu Bồn bồi đắp và bàn tay khéo léo của người thợ Thanh Hà. Cũng ở vùng ngoại ô, tại một khu trang trại xanh chúng tôi đã tham gia lớp học nấu ăn, làm bánh tráng và được thưởng thức những món đặc sản của Hội An do chính tay mình làm.
Với ẩm thực, Hội An có những món ăn độc đáo. Cao lầu là món ăn đầu tiên du khách nên thử. Cao lầu được làm từ mỳ sợi truyền thống, dùng với tôm, thịt heo, rau thơm, giá đỗ và nước dùng. Nước dùng của cao lầu đặc biệt ở chỗ, người đầu bếp chỉ dùng nước lấy từ một giếng cổ của người Chăm nằm tại vùng ngoại ô thành phố. Bánh bao vạc là một món ăn đặc biệt, nó có tên khác là hoa hồng trắng. Vỏ bánh làm từ bột gạo, được khéo léo gấp lại phủ ngoài lớp nhân tôm xay nhuyễn bên trong. Công thức bí truyền chỉ được một gia đình trong phố cổ nắm giữ, và 3 đời con cháu đều theo nghiệp làm bánh và giao bán bánh cho cả Hội An. Bạn cũng nên ghé những quán chè dân dã trong lòng phố cổ. Chúng tôi cũng dùng bữa tối sang trọng trong nhà hàng. Thức ăn ngon và giá phù hợp, cách phục vụ chuyên nghiệp. Chúng tôi còn lênh đênh trên thuyền sang khu Cẩm Kim để ăn cá đuối nướng mè lạ miệng.
Đêm xuống, Hội An không tĩnh lặng, du khách được hòa cùng nhịp Bài Chòi sôi động ven bờ sông Thu Bồn. Chúng tôi còn may mắn được tham gia hoạt động thả đèn hoa đăng xuống sông Thu Bồn để cầu may mắn. Không chỉ có vậy, chợ đêm còn là cơ hội để lựa những món đồ lưu niệm đậm chất Hội An như: vải lụa tơ tằm, chuỗi vòng cườm, lồng đèn hay tấm thiệp nổi...