Đụng độ trên biên giới Azerbaijan - Armenia, 30 binh sĩ thiệt mạng

Theo Dân Trí 03/04/2016 12:56

Những cuộc đụng độ dữ dội bùng phát ngày 2/4 đã làm ít nhất 30 binh sỹ Azerbaijan và Armenia thiệt mạng. Nga và phương Tây hối thúc các bên lập tức ngừng bắn sau những căng thẳng leo thang tại vùng Nagorny Karabakh.

Tổng thống Armenia Serzh Sarkisian cho biết 18 binh sỹ nước này thiệt mạng và khoảng 35 người khác bị thương trong những vụ “tấn công quy mô lớn nhất” kể từ năm 1994, khi một hiệp ước đình chiến đã khép lại cuộc chiến giữa các chiến binh được Armenia hậu thuẫn, chiếm đóng vùng lãnh thổ Nagorny Karabakh từ Azerbaijan.

Trước đó, Bộ quốc phòng Azerbaijan cho biết 12 binh sỹ của nước này thiệt mạng và một trực thăng quân sự bị bắn rơi.

Các cuộc đụng độ được tin là còn khiến 2 dân thường của hai nước thiệt mạng. Cả hai phía đều cáo buộc nhau sử dụng vũ khí hạng nặng tấn công qua biên giới.

Armenia cáo buộc Azerbaijan thực hiện “một cuộc tấn công cực lớn dọc theo biên giới Karabakh, sử dụng xe tăng, pháo binh và trực thăng” trong tối thứ Sáu. Trong khi đó Azerbaijan khẳng định họ chỉ phản công sau khi hứng chịu hỏa lực từ “những khẩu pháo cỡ lớn và súng phóng lựu”.

Người phát ngôn Bộ quốc phòng Azerbaijan Vagif Dargahli cho biết đến tối thứ Bảy giao tranh đã ngừng lại, nhưng cảnh báo tình hình vẫn rất bất ổn.

Những phần tử ly khai sắc tộc Armenia được sự hậu thuẫn của quân đội nước này đã chiếm vùng đồi núi Nagorny Karabakh đầu những năm 1990, trong một cuộc chiến khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Các bên tham chiến đến nay vẫn không ký hiệp định hòa bình, cho dù chấp thuận ngừng bắn năm 1994.

Khu vực trên vẫn được quốc tế công nhận là một phần lãnh thổ Azerbaijan, và hai phía thường có những vụ tấn công qua biên giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị hai phía lập tức ngừng bắn trên toàn tuyến biên giới. “Tổng thống Putin kêu gọi các bên xung đột lập tức thực hiện ngừng bắn và kiềm chế, để ngăn thương vong gia tăng”, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói.

Trong khi đó, các nhà trung gian của một nhóm các đại diện đến từ Nga, Mỹ, Pháp và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), những người đang cố gắng đàm phán để giải quyết vấn đề, đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc”.

Lần gần đây nhất căng thẳng bùng phát là vào tháng 11/2014, khi Azerbaijan bắn hạ một trực thăng quân sự của Armenia.

Theo Dân Trí