Thoát phụ thuộc, cách nào?

Việt Thắng (thực hiện) 04/04/2016 08:35

Nền kinh tế nước ta hiện đang lệ thuộc nhiều vào nước ngoài, từ nguyên vật liệu cho đến công nghệ. Trao đổi với ĐĐK, ĐBQH Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng: Chúng ta muốn đẩy mạnh sản xuất thì phải đổi mới thể chế kinh tế để phát huy nội lực, khuyến khích xã hội làm việc; đầu tư vào công nghệ và đầu tư vào nguồn nhân lực.

Thoát phụ thuộc, cách nào?

Ông Cao Sỹ Kiêm.

PV: Nói đến lệ thuộc nước ngoài, ông nhận định như thế nào về cán cân thương mại xuất nhập khẩu hiện nay của ta?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Cán cân thương mại của ta vẫn nghiêng về phía Trung Quốc rất lớn, đặc biệ là nguyên liệu. Chúng ta muốn cải thiện cán cân thanh toán để xuất nhiều, bớt nhập đi nhưng nhập không giảm sẽ dấn đến bội thanh toán. Xuất nhập khẩu phần lớn của ta phụ thuộc vào Trung Quốc, ngay thị trường cũng vậy, tức là đầu vào đầu ra đều phụ thuộc.

Chúng ta đã ký song phương với nhiều nước, tại sao không nhập từ các nước khác mà chủ yếu vẫn là Trung Quốc, thưa ông?

- Vì Trung Quốc gần với mình, hàng của Trung Quốc hợp với ta, giá rẻ, dù chất lượng không cao nhưng vẫn chấp nhận được. Nhiều doanh nghiệp địa phương đang ốm yếu gặp được anh giá rẻ thì cứ nhập đã, tính sau. Cho nên, muốn nâng lên được chúng ta phải có tiềm lực, có thế mạnh, công nghệ, chất lượng nguồn lực.

Tại sao chúng ta không thể tìm kiếm thị trường lớn hơn, thưa ông?

- Thứ nhất thị trường lớn nằm ở xa, chi phí nhiều. Thứ hai là hiểu biết về luật lệ văn hóa kinh doanh của họ thì ta lại yếu. Thứ ba là thị trường ấy tốt nhưng thường thường đắt gấp đôi. Cũng giống như nồi đồng với nồi đất vậy, anh nghèo thì phải chấp nhận nồi đất trước đã rồi tiến đến nồi đồng sau. Biết mua một nồi đồng bằng năm, sáu nồi đất nhưng nghèo quá cứ mua nồi đất trước đã.

Chúng ta vẫn đang đi tìm kiếm mở rộng thị trường nhưng tìm kiếm không phải là đơn giản, vì ngoài việc có khả năng tiếp xúc nhiều, hiểu biết luật lệ thì cũng phải nâng trình độ thực hành của anh lên ngang tầm với họ thì mới có hy vọng. Chúng ta có các cơ quan tham tán thương mại ở nước ngoài nhưng ngay cả các cơ quan ấy cũng chưa đủ năng lực; thiếu người, kể cả khả năng tư vấn cũng còn hạn chế.

Nhìn chúng về vấn đề này, chúng ta cần tầm nhìn chiến lược lâu dài và phải tiến hành từng bước, từng thị trường, và nâng dần chất lượng của mình lên.

Trong việc này, theo ông, vai trò của doanh nghiệp ra sao?

- Doanh nghiệp là chủ yếu, vì thế chính doanh nghiệp phải tự nhìn lại mình, bố trí chiến lược, tầm nhìn, dự báo. Thấy cái gì ưu điểm cần phát huy, còn khuyết thì sửa chữa. Đó là việc làm của chính doanh nghiệp, không ai làm thay được. Tất nhiên, Nhà nước phải tạp cơ chế tốt để doanh nghiệp hoạt động.

Trở lại vấn đề, để tránh lệ thuộc về kinh tế, theo ông cần chú ý những điều gì?

- Thứ nhất, phải đổi mới thể chế kinh tế để phát huy nội lực, để người ta yên tâm đầu tư, hăng hái hoạt động. Thứ hai phải trang bị công nghệ hiện đại tiên tiến. Thứ ba là phải đào tạo rất nhanh chất lượng nguồn lực của mình. Đó là 3 mấu chốt tôi thấy cần phải có và phải làm rất khẩn trương.

Trân trọng cảm ơn ông!

Việt Thắng (thực hiện)