Làm sao để 63 tỉnh thành không phải là 63 nền kinh tế

M.Loan 03/04/2016 21:20

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Làm sao để 63 tỉnh thành không phải là 63 nền kinh tế, làm sao tránh sự chia cắt, phân tán nguồn lực; bởi nếu thế, hiệu quả chung của kinh tế đất nước sẽ bị ảnh hưởng.

Làm sao để 63 tỉnh thành không phải là 63 nền kinh tế

Duyên hải miền Trung với nhiều lợi thế tự nhiên nhưng vẫn thiếu sự liên kết để phát triển.

Ngày 3/4, phát biểu tại hội thảo quốc tế “Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đánh giá: Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định trong thực hiện chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vùng, nhưng cũng còn nhiều hạn chế trong quá trình triển khai chủ trương, cơ chế chính sách.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vương Đình Huệ gợi mở một số vấn đề phát triển kinh tế, liên kết vùng. Đây là chủ đề quan trọng được quan tâm từ lâu và các văn kiện ĐH XII của Đảng đã đề cập đến điều này một cách sâu đậm, là vấn đề sự cần thiết, yếu tố lợi ích, văn hóa; đặc biệt là động lực về lợi ích trong liên kết vùng. Làm sao để 63 tỉnh thành không phải là 63 nền kinh tế, làm sao tránh sự chia cắt, phân tán nguồn lực; bởi nếu thế, hiệu quả chung của kinh tế đất nước sẽ bị ảnh hưởng. Phải đặt lợi ích kinh tế vùng trong bối cảnh cạnh tranh chứ không phải cục bộ địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế vùng được phân chia cho các địa phương như thế nào?

Về câu chuyện 63 tỉnh là 63 nền kinh tế, thiếu gắn kết, TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đó là một sự kỳ dị của kinh tế nước ta.

Trưởng Ban điều phối liên kết vùng duyên hải miền Trung- ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, vùng duyên hải miền Trung có diện tích gần 50 ngàn km2, cùng 10,2 triệu người gồm 9 tỉnh: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Là khu vực đầu tiên thực hiện liên kết vùng trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận, ông Quang cho biết: Tiềm năng, thế mạnh của vùng là vị trí chiến lược giao thông trong kết nối Đông - Tây, hàng hải quốc tế; 4 di sản văn hóa thế giới; điều kiện tự nhiên ưu đãi, bãi biển dài, nổi tiếng- là trung tâm du lịch của thế giới; có Hoàng Sa - Trường Sa vừa phát triển kinh tế vừa có vị trí quan trọng trong quốc phòng - an ninh. Nhưng, đồng thời, hạn chế là kết cấu hạ tầng xây dựng chậm; chưa có liên kết.

Tháng 11/2011 đã thành lập liên kết nhưng kết quả đến nay còn khiêm tốn, chưa tạo ra sức lan tỏa chung. Ẩn sau thành quả, phát triển du lịch, đầu tư và nguồn lực vẫn có những khó khăn. Khó khăn lớn nhất theo Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, liên kết được tổ chức trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận, phi hành chính nên có nhiều chính sách không phải bắt buộc. Ông Quang kiến nghị, Bộ Chính trị cho thí điểm cơ chế tổ chức; phải làm sao để Ban điều phối là một thể chế được công nhận; có chức năng hoạt động, cơ chế, chủ trương cho phát triển vùng. Thay vì quyết định các phương án đầu tư đơn lẻ thì quyết định cho cả vùng.

Đồng tình quan điểm với ông Lê Thanh Quang, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, thời điểm này cần sử dụng cấu trúc thể chế mang tính quá độ, có một Hội đồng vùng làm chức năng quy hoạch, tư vấn; trong trường hợp các tỉnh không thống nhất quy hoạch thì Hội đồng tư vấn này có quyền đề xuất lên Trung ương. Và, nên có tổ tư vấn độc lập, không bị lợi ích nhóm chi phối, tham gia thẩm định, đề xuất các đề án trong toàn vùng.

Đại sứ Đức tại Việt Nam Carl Georg Christian Berger chia sẻ, với tư cách là một đối tác phát triển sẽ trợ giúp Việt Nam trên một số lĩnh vực của liên kết vùng, nhất là tăng trưởng xanh.

M.Loan