Áp thuế tự vệ thép: Cuộc 'so găng' chưa hồi kết
Không phải người tiêu dùng, cũng không phải nhà quản lý được lợi từ việc áp thuế tự vệ đối với mặt hàng thép cán dài, phôi thép nhập khẩu. Nhưng ngay lúc này nội bộ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép cũng đang có mâu thuẫn, ý kiến trái chiều về việc có nên loại bỏ phôi thép ra khỏi phạm vi áp thuế tự vệ hay không. Dự kiến trong tuần này, Bộ Công thương sẽ ngồi cùng doanh nghiệp thép để làm sáng tỏ vụ việc.
Người tiêu dùng đang phải mua thép giá cao.
Mỗi người một lý
Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép, đại đa số đều đồng ý với việc áp thuế suất 14% đối với sản phẩm thép dài sản xuất từ phôi nhập khẩu. Nhưng với mặt hàng phôi thép nhập khẩu (tức là nguyên liệu để cán thép), liệu có cần áp thuế tự vệ 23,3% hay không vẫn còn nhiều tranh cãi. Cuộc nội chiến đang diễn ra trong ngành thép, giữa một bên ủng hộ việc áp thuế phôi và bên kia phản đối, cho rằng, cứ nguyên liệu rẻ thì càng phải khai thác.
Là một trong năm doanh nghiệp đứng tên ký đơn gửi Thủ tướng phản đối việc áp thuế phôi thép nhập khẩu, ông Đỗ Duy Thái, thành viên HĐQT CTCP thép Pomina cho rằng, không phải cứ đưa giá thành nhập khẩu nguyên liệu lên cao thì doanh nghiệp sống.
Phôi thép là nguyên liệu đầu vào quan trọng để cán thép, chi phí cho phôi chiếm đến gần 85% tổng chi phí. Khi áp thuế với mặt hàng nguyên liệu, giá phôi thép thay đổi chắc chắn sẽ làm sản phẩm thép tăng giá.
Không chỉ Pomina, NatsteelVina, Công ty Liên doanh Thép Việt – Úc (VinauSteel), Công ty Sản xuất Thép Úc SSE, Công ty Thép Kyoei Việt Nam đều cho rằng, việc áp dụng biện pháp tự vệ dẫn tới giá phôi thép (nguyên liệu đầu vào của thép thành phẩm) tăng, khiến giá thép xây dựng tăng.
Ông Phan Đào Vũ, giám đốc Công ty Liên doanh sản xuất Thép Vinausteel cũng cho biết, công ty chủ yếu sản xuất các mặt hàng thép xây dựng, nguồn phôi thép lâu nay doanh nghiệp mua ở trong nước là chính, còn nhập khẩu rất ít. Thế nhưng, ngay khi mới ở giai đoạn kiện tự vệ thôi thì giá phôi thép đã tăng ngay lập tức. Hiện nay phôi thép đã tăng khoảng 18%, từ 7 triệu đồng/tấn lên khoảng 8,3 triệu đồng/tấn. Điều này làm cho người tiêu dùng phải chịu chi phí cao hơn.
Ở phía doanh nghiệp giữ quan điểm ủng hộ, thép Hòa Phát cho rằng việc áp thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài là cần thiết, hợp lý, phù hợp với các cam kết quốc tế và bảo vệ được ngành sản xuất trong nước.
Tổng công ty Thép Việt (VinaSteel) cũng chia sẻ, việc nhập phôi thép ồ ạt, trong đó chủ yếu từ Trung Quốc, khiến thị phần, sản lượng tiêu thụ nhiều doanh nghiệp thép lớn sụt giảm mạnh.
Trong suốt 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép lao đao vì phôi thép và thép dài nhập khẩu. Trong khi đó những doanh nghiệp thương mại ( nhập vào – bán ra) lại thu lợi lớn. Áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời rõ ràng là biện pháp giải quyết nhanh chóng những khó khăn của ngành thép. Nhưng có nên áp thuế với mặt hàng phôi hay không đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Trong khi cuộc so găng chưa hồi kết thì chỉ có người tiêu dùng chịu thiệt.
Đừng để người tiêu dùng thiệt thòi
Việc áp thuế tự vệ đối với phôi thép, thép cán dài trước mắt giúp cho một số doanh nghiệp nội phát triển. Nhưng đây chỉ là một nửa của cuộc chơi! Nếu doanh nghiệp nội hành xử “đẹp” hơn thì đã không “đục nước béo cò” tranh thủ tăng giá bán ra như các DN nhập khẩu, trong bối cảnh giá phôi thép thế giới tăng, nếu các doanh nghiệp nội không mâu thuẫn, giữ ổn định thị trường mục tiêu chính sách tự vệ toàn vẹn hơn.
Điều đáng bàn nữa là, mục tiêu chung của các doanh nghiệp trong ngành thép là đấu tranh với thép ngoại nhập chất lượng kém. Song, trong thời gian các doanh nghiệp đối đầu quan điểm vô hình trung tạo thời cơ cho phôi và thép Trung Quốc, thép ngoại nhập tiếp tục đổ vào Việt Nam. Còn người dân, đang mua hàng giá rẻ bỗng thành đắt, thị trường đang ổn định bỗng biến động.
Để gỡ mối bất hòa, dự kiến trong tuần này vào bộ Công thương sẽ làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp ngành thép để nghe cơ sở, lập luận của các doanh nghiệp đối với kiến nghị loại bỏ phôi thép ra khỏi phạm vi áp dụng biện pháp tự vệ. Theo đó, chứng cứ và cơ sở lập luận của các bên liên quan đối với vấn đề này sẽ được trình bày trong báo cáo cuối cùng của vụ việc.
Còn giới chuyên gia cho rằng, về lâu dài, khi hội nhập, muốn bảo hộ ngành cơ quan chức năng phải giám sát chặt ở khâu chất lượng, chỉ cho phép thông quan, nhập khẩu vào Việt Nam khi đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật. Không nên để mối bất hòa kéo dài, không để người dân phải nhấp nhổm vì giá hàng hóa lên xuống khó lường.