Nửa vời trách nhiệm

Nguyên Khánh 04/04/2016 09:05

Đã có những cái chết thương tâm xảy ra vì hành động dại dột “cưa bom” giữa Thủ đô, rồi một loạt những vụ đâm sập cầu bắc qua sông ở hai đầu đất nước gây tê liệt giao thông đường sắt một thời gian dài... người ta mới ngơ ngác truy trách nhiệm. Tuy nhiên, việc truy trách nhiệm đến cùng thật chẳng dễ dàng.

Vụ nổ nghiêm trọng xảy ra giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội hôm 19/3 làm chết ít nhất 4 người và nhiều người bị thương nặng làm cư dân hết sức bàng hoàng, đau xót nhưng, đau xót hơn là trách nhiệm của người gâyra vụ nổ đã “cuốn theo chiều gió”. Chẳng có ai nhận trách nhiệm, vì người gây ra vụ nổ đã chết. Có vẻ như chết là hết trách nhiệm.

Nửa vời trách nhiệm

An toàn vệ sinh thực phẩm dường như vẫn lơ lửng trách nhiệm.

Thế nhưng, với hai vụ sà lan đâm sập cầu, 1 vụ ở Hải Dương, một vụ ở Đồng Nai hậu quả gây ra là rất lớn nhưng rất may không có những cái chết thương tâm xảy ra. Có vẻ như nhà chức trách sẽ quy trách nhiệm cho những người lái tầu bất cẩn? Tất nhiên, ai gây ra sự cố người ấy phải chịu trách nhiệm. Nhưng, nói đi thì phải nói lại. Một cây cầu vững chãi có dễ dàng sập gẫy ngay khi gặp phải một cú đâm va của một con tàu? Ngay sau khi sự cố sập cầu Ghềnh xảy ra, nhiều hành khách đi tàu đã tự hỏi: Ngành đường sắt đang đùa giỡn với mạng sống của những người dân đi tàu ư? Tại sao họ không đầu tư, xây mới, tính các phương án khác để phòng khi có sự cố xảy ra. Rõ ràng tuổi thọ của cây cầu đã quá lớn, nếu sự cố đâm va đúng lúc tàu đi qua cầu không hiểu hậu quả sẽ thế nào?

Nhìn từ vụ sập cầu Ghềnh, nhiều người không dám đánh đu mạng sống của mình vì sự tắc trách, thiếu quản lý, an toàn của ngành đường sắt qua những chuyến tàu. Mong sao các cơ quan chức năng sớm có nhiều biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi chọn đi tàu là phương tiện di chuyển chứ không chỉ tìm ra thủ phạm gây tai nạn cho cây cầu là hết trách nhiệm.

Một lĩnh vực mà yêu cầu vấn đề trách nhiệm trong quản lý phải được đặt lên hàng đầu đó là an toàn vệ sinh thực phẩm thì dường như vẫn lửng lơ trách nhiệm. Khi “đường đi từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế”, “an toàn thực phẩm hay không đều phó mặc cho may rủi” thì các cơ quan hữu trách vẫn ngồi thảo luận rằng cơ quan nào chịu trách nhiệm về thực phẩm bẩn. Không đổ lỗi cho cơ chế phối hợp còn lỏng như thông lệ, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, người đứng đầu TP HCM đề nghị cần có biện pháp chặn đứng thực phẩm bẩn, trong đó TP.HCM sẽ thành lập một cơ quan trực thuộc giải quyết việc này để tránh tình trạng cơ quan này đổ lỗi cho cơ quan kia. Nghĩa là thành lập cơ quan để tập trung vào một đầu mối, cho tăng cường chế tài xử phạt, quy trách nhiệm rõ ràng khi đã có đầu mối rồi. An toàn vệ sinh thực phẩm phải làm quyết liệt “nếu cứ nói làm tốt rồi mà dân cứ ăn bẩn thì không được”!

Vấn đề trách nhiệm của các công bộc của dân chưa bao giờ nóng thế tại nghị trường QH. Nhận xét về Báo cáo nhiệm kỳ 2011-2015 của QH, ĐBQH tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Sỹ Cương có chỉ ra thực trạng, “chưa truy được ngọn ngành trách nhiệm là vì lỏng cơ chế giám sát, hoặc có giảm sát cũng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa”. Những vấn đề bức xúc của dân “cứ nêu ra rồi trả lời thế nào cũng được, có thể được kết luận hoặc không mà thậm chí được kết luận rồi cũng rơi tõm đi đâu không rõ” thì dân sẽ mất niềm tin.

Dẫn ra ví dụ về sự tắc trách của những người lo việc dân ông Cương nói, kỳ họp QH thứ 9- 10 vừa qua, ông có phản ảnh về tình trạng phân bón giả, thậm chí phải kêu lên “ai cứu người nông dân Việt Nam” nhưng rồi tình trạng lỗi trong quản lý lĩnh vực này cũng vẫn thế, phát biểu rơi tõm đi đâu, không có tác dụng gì, vẫn tồn tại hàng ngàn loại phân bón mà người dân như đứng trước ma trận, không biết thế nào mà lần”.

Điều đáng nói là qua giám sát đã phát hiện những doanh nghiệp kinh doanh 100% phân bón giả nhưng vẫn không có ai bị khởi tố, không có ai phải chịu trách nhiệm; trong khi đó là nguồn gốc của mọi thất bát mùa màng, sự khổ sở của người làm nông.

Trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh Thái Nguyên, bà Trương Thị Huệ chỉ ra thực tế trong các phiên chất vấn có hàng ngàn câu hỏi về trách nhiệm, nhưng câu trả lời rõ ràng về trách nhiệm còn rất ít. Thế nên những chuyện như biệt thự, dự án mọc lên trong rừng cấm; ký túc xá nghìn tỷ bỏ hoang; nhiều nhà máy xi măng, cán thép công nghệ lạc hậu vẫn triển khai… cứ kéo dài không dứt.

“Nếu làm sai mà không phải chịu trách nhiệm thì nghĩa là pháp luật chưa nghiêm, hiệu lực hiệu quả quyền lực nhà nước cũng chưa được xem trọng”. Bà Huệ phân tích, “quy trách nhiệm là không dễ, nhưng đó là trách nhiệm của cả Chính phủ, QH và ĐBQH. Cá nhân tổ chức làm sai, quyền lực Nhà nước chưa được thực thi đầy đủ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến yếu kém”. “Nếu trách nhiệm vẫn lửng lơ, người dân có quyền mất niềm tin vào bộ máy. Nhận trách nhiệm, truy đến cùng trách nhiệm cá nhân là việc làm bức thiết hơn bao giờ hết để Nhà nước của chúng ta thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân” - bà Huệ nói.

Trách nhiệm không được quy rõ ràng dân sẽ là người lãnh hậu quả.

Nguyên Khánh