Minh bạch thông tin để cử tri chọn đúng người

Lục Bình (thực hiện) 05/04/2016 09:05

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết về những vấn đề xung quanh công tác bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp diễn ra vào tháng 5 tới, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, ông Đinh Xuân Thảo cho biết, để cử tri lựa chọn được người xứng đáng, khâu tuyên truyền rất quan trọng. Phải tuyên truyền điểm mạnh của ứng viên để cử tri cân nhắc, so sánh lựa chọn được người xứng đáng nhất.

PV: Thưa ông, không ít cử tri than phiền rằng, họ vẫn chưa nắm bắt được nhiều về những thông tin cá nhân của người ứng cử, vậy làm thế nào để người dân lựa chọn được người tiêu biểu nhất?

Minh bạch thông tin để cử tri chọn đúng người

Ông Đinh Xuân Thảo: Bầu cử không chỉ là ngày hội của toàn dân, mà thông qua bầu cử, cử tri phải bầu ra đúng người thay mặt cho mình làm đại diện ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Vấn đề là nhiều cử tri không cùng làm việc, cùng ngành nghề, sinh sống với ứng viên; thậm chí rất nhiều cử tri chưa từng biết mặt, nghe tên ứng viên trước khi họ ra ứng cử... Vì vậy, khâu tuyên truyền vô cùng quan trọng. Đây là trách nhiệm của các phương tiện thông tin đại chúng.

Để tuyên truyền sao cho người dân lựa chọn được người xứng đáng nhất, theo tôi, trước hết là phải tuyên truyền để người dân hiểu tiêu chuẩn của ứng viên; thứ hai là con người cụ thể, sau đợt hiệp thương lần thứ 3 tới đây phải có trách nhiệm giới thiệu về các mặt mạnh của từng ứng viên để cử tri có sự cân nhắc, lựa chọn. Còn thực ra tiếp xúc cử tri rất hạn chế, vì mỗi ứng viên về các đơn vị bầu cử, mỗi đơn vị cũng chỉ tiếp xúc cử tri với 2-3 xã, phường và mỗi đơn vị cũng chỉ tiếp xúc được một số cử tri rất ít so với tổng số cử tri trên địa bàn. Nên muốn có sự lan tỏa về nội dung cuộc tiếp xúc cử tri thì thông tin phải được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, làm sao càng nhiều cử tri biết càng tốt.

Nhưng những thông tin về lý lịch của các ứng viên đã khá đầy đủ, lâu nay ta vẫn làm như vậy, ý ông là những thông tin này vẫn chưa đủ giúp cử tri lựa chọn được người tài đức?

- Đúng vậy, lâu nay, về phần trích ngang lý lịch của các ứng viên rất đơn giản, sơ lược. Vì thế, cơ quan bầu cử từ Trung ương đến địa phương phải cung cấp thông tin về ứng viên đầy đủ, chi tiết để báo chí đăng tải, giới thiệu cho cử tri biết. Ví dụ, vị đại biểu tái cử, anh phải có bản báo cáo tự đánh giá, tự nhận xét trong thời gian vừa qua anh đã làm được những gì với tư cách là người đại diện cho cử tri, các thông tin này được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và cử tri dựa vào đó để thẩm định và họ sẽ quyết định có bầu cho vị ứng viên này nữa hay không?

Nhiều người băn khoăn, họ rất ít được tiếp xúc cử tri dù họ rất muốn thông qua tiếp xúc để hiểu về các ứng viên từ đó giúp lựa chọn của họ đúng đắn nhất. Có ý kiến cho rằng, các buổi tiếp xúc cử tri dường như đều dành cho các “đại cử tri”, ý kiến của ông về vấn đề này?

- Do cơ sở vật chất, cụ thể là nơi để tiếp xúc có hạn nên không thể tổ chức gặp gỡ hàng ngàn cử tri một lúc được nên số cử được tham dự rất ít so với số cử tri trên địa bàn. Ở địa phương khác không biết thế nào, còn tại Hà Nội, theo tôi được biết, ngoài số cử tri được mời làm đại diện cho đủ mọi thành phần trên địa bàn, hội nghị tiếp xúc cử tri luôn có nhiều ghế trống để bất cứ cử tri nào quan tâm cũng được đến dự buổi tiếp xúc và không có sự phân biệt đối xử nào giữa cử tri được mời và cử tri tự nguyện đến tham dự. Các buổi tiếp xúc trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội cũng được tổ chức như vậy.

Luật Bầu cử tại sao lại không quy định tiêu chuẩn của đại biểu là phải có trình độ nhất định, tốt nghiệp đại học hoặc tương đương trở lên chẳng hạn thưa ông?

- Cơ quan dân cử phải bảo đảm tính đại diện cho toàn dân, nếu đặt cao quá có khi chỉ có lợi cho một số ứng viên. Ví dụ, ở những vùng dân tộc ít người phải có đại diện của họ trong cơ quan dân cử. Thế nên nếu đặt điều kiện về trình độ, năng lực, kinh nghiệm, bằng cấp thì rất khó. Vì thể, điều kiện của đại biểu chỉ là chung nhất, cơ bản nhất, tối thiểu nhất cần phải có, còn cử tri mới là người quyết định. Vì vậy, trách nhiệm của báo chí là phải tuyên truyền về từng mặt mạnh của mỗi cử tri để cử tri lựa chọn và đặc biệt không được nói về hạn chế, điểm yếu của ứng viên mà chỉ được nói điểm mạnh của từng ứng viên để cử tri so sánh, lựa chọn. Bằng cấp, kinh nghiệm, trình độ chỉ là một trong những tiêu chí lựa chọn đại biểu vào cơ quan dân cử.

Trân trọng cảm ơn ông!

“Sẵn sàng để thành công”

Là chủ đề xuyên suốt của lớp tập huấn được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 4 - 6/ 4 dành cho 50 nữ ứng viên lần đầu ứng cử đại biểu Quốc hội từ 10 tỉnh thành miền núi phía Bắc gồm: Sơn La, Tuyên Quang, Lai Châu, Yên Bái, Bắc Cạn, Hà Giang, Cao Bằng, Phú Thọ, Lạng Sơn và Điện Biên. Khóa học ba ngày trang bị cho những nữ ứng cử viên những kiến thức tổng quan về Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc hội, vai trò của nữ giới trong chính trị, vấn đề bình đẳng giới trong các Luật hiện hành. Học viên cũng được giới thiệu về chương trình hành động, cách thức xây dựng một chương trình hành động hấp dẫn, cách thức trình bày một cách thuyết phục tại hội nghị tiếp xúc cử tri.

N. Phượng

Lục Bình (thực hiện)