Giới hạn cuối

Lê Na 05/04/2016 10:20

Sức chịu đựng của người dân về vấn nạn thực phẩm bẩn, dường như đang bước vào những giới hạn cuối cùng. Theo công bố của các tổ chức quốc tế, mỗi năm Việt Nam có trên 100 ngàn người mắc bệnh ung thư, phần lớn có nguyên nhân từ môi trường sống và từ việc sử dụng thực phẩm nhiễm độc tố. Ung thư có nguyên nhân từ thực phẩm không an toàn đang trở thành một căn bệnh ám ảnh hơn cả căn bệnh thế kỷ - HIV.  

Giới hạn cuối

Người tiêu dùng khó khăn khi lựa chọn thực phẩm.

Việt Nam được xem là quốc gia có số người nhiễm HIV đứng thứ 5 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng dù vậy, so với ung thư ở Việt Nam, hậu quả do HIV gây ra không thấm vào đâu. Theo các nhà nghiên cứu, mỗi năm căn bệnh thế kỷ HIV có hơn 2.200 người chết, còn ung thư là 75.000 người chết, trong số 150.000 người mắc mới. Nếu nhiễm HIV, nhiều người bệnh có thể cầm cự vài năm đến mười mấy năm, nhưng ung thư nếu không phát hiện sớm, kết cục vô cùng xót xa. Thời gian sống của họ trung bình chỉ được một năm. Một trong những nguyên nhân phần lớn dẫn đến thảm họa này là thực phẩm bẩn.

Không phải đến khi ca sĩ Trần Lập, người được mệnh danh mang tinh thần chiến binh nhưng cuối cùng vẫn gục ngã trước căn bệnh ung thư đại trực tràng mới gây cho chúng ta nỗi ám ảnh về những gì mình đang phải ăn, uống hàng ngày. Chỉ là chúng ta quá xót xa vì đã phải chấp nhận thực tế sống chung với thực phẩm bẩn bao lâu nay. Nhưng đến lúc này, khi những người thân quen đang mất đi vì căn bệnh quái ác này thì sức chịu đựng của người dân về vấn nạn thực phẩm bẩn dường như đang bước vào những giới hạn cuối cùng. Có lẽ đến lúc các nhà khoa học cần phải thay đổi cảnh báo “căn bệnh thế kỷ” ở Việt Nam hiện nay chính là ung thư chứ không phải là HIV nữa.

Thực tế lâu nay người Việt không biết ăn gì để không phải chết vì ung thư? Khi mà ở trong môi trường nhiễm độc tố, thực phẩm sạch có lẽ mãi chỉ là một giấc mơ với những người mà chỉ cần đủ ăn ba bữa một ngày. Với những người có điều kiện hơn, họ cũng phải tìm mọi cách chống chọi để con đường đi qua dạ dày không trở thành con đường đến nghĩa địa bằng những mảnh vườn cơi nới trên sân thượng, trong những thùng xốp để trên vỉa hè hay trông cậy vào những chuyến hàng thực phẩm chuyển từ quê lên phố.

Nhưng kể cả có như vậy, với những người giàu có hơn nữa thì giấc mơ thực phẩm sạch vẫn bị “phản bội” vẫn bị gài bẫy khi người ta sẵn sàng lấy mác “sạch” dán lên đồ “bẩn”. Vụ việc chỉ bị phanh phui khi nhà chức trách phát hiện, còn lại tất cả vẫn vô hình.

“Đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế” là câu nói đầy ám ảnh trong xã hội mà đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh đã đưa ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát về vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Cao Đức Phát có lẽ là một trong những Bộ trưởng hiếm hoi vừa đăng đàn để xin lỗi nhân dân vì một phát ngôn sơ sẩy của mình. Dù vẫn còn có nhiều ý kiến khác, nhưng lời xin lỗi của Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khiến nhiều người đặt niềm tin vào ông, đặc biệt là những lời cam kết sau đó. “Từ giờ đến cuối năm, chúng tôi cam kết cơ bản không còn kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi thực phẩm, không còn buôn lậu thuốc bảo vệ thực phẩm qua biên giới. Tôi cam kết còn làm việc một ngày, tôi còn nỗ lực để thực hiện mong đợi này của nhân dân”.

Cam kết ấy không hề dễ dàng nhưng lại là một cơ hội lớn cho ông Bộ trưởng quyết tâm cùng với các cơ quan chức năng tuyên chiến với thực phẩm không an toàn, nhất là Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016- 2020 vừa được Chính phủ và Mặt trận ký kết tại Hội nghị kiểm điểm thực hiện Quy chế phối hợp năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016.

Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016- 2020 nhấn mạnh tới vai trò của Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan truyền thông xây dựng chương trình truyền thông quốc gia về an toàn thực phẩm, góp phần hình thành nếp sống văn hóa: Nông dân Việt Nam sản xuất thực phẩm phải an toàn, người Việt Nam tiêu dùng thực phẩm phải an toàn.

Trong đó, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương cung cấp tài liệu và chỉ đạo hỗ trợ điều kiện kỹ thuật để UBND cấp xã phối hợp với MTTQ Việt Nam xây dựng và phát triển các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn. Đồng thời , UBMTTQ Việt Nam cấp xã chủ trì hiệp thương với các tổ chức chính trị - xã hội vận động các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn đăng ký, cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân là người rất trăn trở với chương trình này. Thực tế, kế hoạch giám sát an toàn thực phẩm đã được người Mặt trận “ấp ủ” từ lâu nhưng vì nó quá khó để thực hiện nên sau hai năm bàn bạc thống nhất với một số bộ ngành liên quan, việc giám sát an toàn thực phẩm mới bắt đầu được triển khai trong năm 2016 này.

“Chúng ta thường nói “thương người như thể thương thân”, nhưng ở đâu đó trong câu chuyện này vẫn có việc người không thương người. Biết là độc mà vẫn bán thì chúng ta phải thống nhất lại nhận thức, phải nói không với văn hoá kiếm tiền bằng cách đầu độc chính người Việt Nam. Người Việt không thể đầu độc người Việt”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Người Việt không thể đầu độc người Việt. Sức chịu đựng của người Việt về vấn nạn thực phẩm bẩn dường như đang bước vào những giới hạn cuối cùng - không thể “đội trời chung” với thực phẩm bẩn được nữa.

Lê Na