Ám ảnh 'phí bôi trơn'
Trong Bảng công bố xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015 (PCI) vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố, có một điểm đáng quan ngại, đó là, chi phí không chính thức của DN không những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng. Tỉ lệ DN cho biết phải chi trả chi phí không chính thức tăng qua các năm, từ 50% (2013), lên tới 66% (2015). Hơn 11% DN tham gia điều tra năm nay cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ. Đa số DN cũng cho biết
Chia sẻ suy nghĩ, tâm tư tại buổi lễ công bố chỉ số PCI 2015 vừa qua, Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc cũng nêu lên thực tế rằng, mặc dù nhiều chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện, song có hai chỉ số lại không hề có sự chuyển biến. Đáng lo ngại, hai chỉ số đó lại chính là hai yếu tố quan trọng nhất quyết định sự minh bạch và tính ưu việt của môi trường kinh doanh. Đó chính là chỉ số về chi phí không chính thức và môi trường cạnh tranh thiếu bình đẳng.
Ngay như địa phương liên tục dẫn đầu về chỉ số PCI – Đà Nẵng – với 3 năm liên tiếp giành ngôi quán quân, và 6 năm dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thì riêng chỉ số về chi phí không chính thức cũng “bất động”, không giảm. Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND tỉnh Đà Nẵng, địa phương này có tới 7 chỉ số chuyển biến theo xu hướng tích cực như chỉ số về gia nhập thị trường, chỉ số tính minh bạch, chỉ số chi phí thời gian thực hiện thủ tục hành chính…nhưng riêng đối với chỉ số chi phí không chính thức lại không có sự chuyển biến gì.
Hơn ai hết, cộng đồng DN là những chủ thể hiểu rõ nhất, chi phí không chính thức, phí “bôi trơn” có tác động lớn như thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Nhiều DN trong nước khi nói về vấn đề này, đã cho rằng, muốn yên tâm hoạt động, chỉ cần có quan hệ tốt với nhà quản lý, nếu không, phải chấp nhận “đi đêm”, chi phí ngoài luồng. Không có hai yếu tố đó, thì khó có thể tồn tại trên thương trường.
Không chỉ DN trong nước cảm thấy “ngại” các loại phí bôi trơn mà các DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Theo chia sẻ của lãnh đạo một số DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), việc gia tăng chi phí lẫn tần suất trả tiền không chính thức trong mọi hoạt động từ xin giấy phép đầu tư tới quá trình đấu thầu, xuất nhập khẩu… tác động lớn đến hiệu quả kinh doanh của họ. Bởi vậy, mặc dù được đánh giá là nơi có nguồn lao động rẻ, nhiều chính sách ưu đãi song không ít DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn lưỡng lự khi quyết định đầu tư bởi chính những rào cản “chi phí bôi trơn” mà với nền kiểm soát tài chính minh bạch ở nước họ rất khó giải trình, thậm chí đối mặt với án hình sự.
Cần phải thừa nhận, thời gian qua, nhà quản lý đã có rất nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó phải kể đến Nghị
quyết 19 với mục tiêu tạo một môi trường kinh doanh trong sạch, thông thoáng, giảm bớt thủ tục hành chính, nhũng nhiễu DN… để cộng đồng DN có thể yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó mở rộng quy mô, phát triển nội lực.Và nền kinh tế Việt Nam, theo đó, có thể phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, những nỗ lực trên mới chỉ đạt được kết quả bước đầu. Vẫn còn đó những con số được nói lên từ chính những người trong cuộc, nhưng con số thể hiện thái độ lo lắng, bức xúc của không chỉ các doanh nghiệp về nạn “phí bôi trơn”.
Một môi trường kinh doanh vẫn còn những nhũng nhiễu từ cán bộ công quyền, DN vẫn phải tiếp những đoàn thanh kiểm tra mà mục tiêu không hẳn là giúp cho doanh nghiệp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách pháp luật và nâng cao hiệu quả quản lý; góp phần nâng cao sức cạnh tranh. Thanh tra, kiểm tra chồng chéo kéo theo nhiều phản ứng tiêu cực mà ở đó chắc chắn không chỉ có lời than phiền. Con số thông kê cho thấy 74% số doanh nghiệp từng đón tiếp các đoàn thanh kiểm tra trong tất cả các lĩnh vực trong năm vừa qua. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, khảo sát PCI 2015 cho biết, trung bình mỗi năm, các DN nhỏ và vừa phải tiếp khoảng một đến hai đoàn thanh kiểm tra. Với các DN quy mô lớn, con số này khoảng 3 cuộc. Tính toán chung, có 18% DN siêu nhỏ, 24% DN nhỏ và 43 % DN quy mô vừa tiếp đón ít nhất 3 đoàn thanh kiểm tra DN trong năm vừa qua, trong khi con số này là 50% đối với DN quy mô lớn. Có một hiện tượng đáng lo ngại: Các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, gánh nặng về thanh tra, kiểm tra càng cao. Chi phí thực hiện thủ tục hành chính tăng, rủi ro tăng lên khi quy mô tăng. Phải chăng, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho các DN nhỏ và vừa… sợ lớn?!