Người Việt hoài nghi sản phẩm công nghệ 'made in Vietnam'?
Lâu nay, chúng ta vẫn nói đến việc đặt hàng các nhà khoa học để nghiên cứu các sản phẩm có tính ứng dụng cao, được sử dụng rộng rãi trong đời sống. Nhưng không thể phủ nhận một thực tế góp phần đẩy nhiều công trình đến tình trạng phải “bỏ ngăn kéo” là bởi vì “chót” mang danh hàng sản xuất trong nước.
Chip đầu tiên của Việt Nam được ứng dụng làm đèn giao thông. (Nguồn: VnExpress).
Trong một hội nghị do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức mới đây tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã nêu một thực tế. Đó là lò đốt rác y tế do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất được các hội khoa học kỹ thuật đánh giá là sản phẩm công nghệ Việt Nam tốt nhất, được Trung tâm theo dõi, kiểm soát môi trường chứng nhận về chất lượng, hoàn toàn không thải các khí độc hại ra môi trường nhưng đến nay vẫn chưa bán được sản phẩm thứ hai. Trong khi đó, những lò đốt rác ngoại giá thành cao hơn hẳn, từ 7-15 tỉ đồng vẫn chiếm ưu thế trên thị trường.
Tương tự, sản phẩm nhựa đường cacbon đã được Viện KH&CN Vật liệu xác nhận đủ điều kiện ứng dụng, không gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn không đưa được vào các công trình của Bộ Giao thông vận tải vì giá… quá rẻ.
Câu chuyện “tưởng đùa mà hóa thật” này đã diễn ra lâu nay song chưa có cách nào thay đổi được triệt để. Nói như ông Ngô Đức Hoàng- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) thì đó là do tâm lý hoài nghi của người Việt với những sản phẩm “made in Vietnam”. Chẳng hạn, trong ngành vi điện tử hiện nay, Việt Nam mỗi năm tiêu thụ khoảng 20 tỷ con chip các loại nhưng đa số là chip Trung Quốc giá rẻ, dễ mua trên thị trường. Trong khi đó, chip Việt được đánh giá thuộc hàng tốt trên thế giới, giá thành rất cạnh tranh so với chip Trung Quốc nhưng do không được tin tưởng nên việc thương mại hóa gặp khó khăn.
Cuối tháng 3 vừa qua, ICDREC đã ký thỏa thuận với một đơn vị đèn chiếu sáng để đưa con chip SG8V1 do trung tâm chế tạo vào sản xuất đèn giao thông, hệ thống điều khiển đèn đường… Việc một doanh nghiệp Việt vốn xưa nay sử dụng công nghệ nước ngoài phối hợp sử dụng chip do chính người Việt thiết kế là thay đổi lớn. Tin vui này đã lan tỏa trong cộng đồng các nhà khoa học Việt về một tương lai tươi sáng hơn cho các sản phẩm vi mạch Việt. Nhưng để đi được đường dài, theo TS Lê Thái Hỷ- Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP. HCM cần sự phối hợp của Bộ Công thương để tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp vi điện tử trong nước sử dụng chính các thiết kế do kỹ sư người Việt Nam thực hiện.
Từ thực tế này, có thể thấy để “gỡ khó” cho các sản phẩm công nghệ Việt không thể chỉ là sự nỗ lực một phía từ các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, chế tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh so với hàng ngoại nhập. Mà cần sự chung tay của nhiều Bộ, ngành với những giải pháp để thúc đẩy “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trong đó, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách và kinh phí để các sản phẩm này có thể được thương mại hóa với khả năng cạnh tranh cao. Đồng thời, có thể có những ưu đãi về thuế, vốn… cho các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng sản phẩm công nghệ do người Việt nghiên cứu.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp với việc tổ chức các buổi gặp gỡ giữa đơn vị