'Giải mã' lãi suất huy động tăng
Sự thật nào để giải thích cho câu chuyện lãi suất huy động trong hệ thống ngân hàng nóng trong những ngày qua, kéo dài cho đến thời điểm này, thậm chí vẫn dự báo nóng? Nhiều câu hỏi liên quan đến thanh khoản ngân hàng cũng như nợ xấu ngân hàng được đặt ra.
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm đang ở mức 7%/năm.
Thanh khoản có vấn đề
Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB) Lê Quang Trung chia sẻ, lạm phát 3 tháng đầu năm chưa đến 1%, trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm đang ở mức 7%/năm. Như vậy, lãi suất tiền gửi thực dương ở nước ta đang ở mức tốt. Bên cạnh đó, tỷ lệ dư nợ cho vay/vốn huy động vẫn dưới 80%, chứng tỏ thanh khoản của hệ thống dồi dào, ngân hàng không thiếu tiền. Ông Lê Quang Trung nói, trước đây, hệ thống ngân hàng thừa quá nhiều tiền, nên đã đẩy lãi suất huy động xuống quá sâu, nên giờ tăng thêm một chút, chứ về mặt xu hướng, chắc chắn năm nay lãi suất không thể tăng mạnh.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, có thêm lý do nữa khiến ngân hàng tăng lãi suất, đó là ngân hàng muốn giữ chân khách hàng trong bối cảnh giá bất động sản phục hồi. Một dòng tiền đang chuyển từ tiết kiệm sang đầu tư bất động sản.
Nhưng hãy thử nhìn lại diễn biến thị trường lãi suất huy động hiện nay như thế nào. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2016, đã có nhiều ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất đến 2 - 3 lần. Đã có nhiều ngân hàng lớn nhỏ, ngân hàng thương mại cổ phần lẫn ngân hàng thương mại có phần vốn góp của nhà nước công bố biểu lãi suất huy động mới, đó là VietinBank, BIDV, VIB, VPBank Baoviet Bank, Bản Việt Bank, Ngân hàng Phương Đông (OCB)... Hiện lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng của nhiều ngân hàng đã chạm trần quy định (5,5%/năm). Lãi huy động kỳ hạn 6 tháng lên tới 6,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng cao nhất 7,35%, kỳ hạn 18 tháng - 36 tháng đã được Ngân hàng OCB đẩy lên 8,3 – 8,4% năm, cao nhất thị trường. Chưa kể, khi khách hàng sẽ được cộng thêm lãi suất “ngầm” vượt trần 0,5 - 0,6%/năm dưới hình thức quay ô trúng thưởng.
Dường như, câu chuyện lãi suất tăng vẫn đang có những băn khoăn. Để giải mã được câu hỏi lãi suất huy động tăng, trước hết tìm hiểu những vấn đề liên quan đến cơ dòng tiền và nợ xấu.
Sự thật nợ xấu
Theo thống kê của NHNN, nợ xấu tính đến ngày 31/12/2015 của hệ thống ngân hàng chỉ còn 2,5%. Nhưng bên cạnh con số 2,5% này, vẫn còn một khoản nợ xấu đáng được lưu ý, được treo ở Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng VAMC. Kho nợ của VAMC tính từ khi thành lập đến nay đã lên tới 245.000 tỷ đồng, tương đương hơn 10 tỷ USD, trong khi tổng số nợ xấu đã được xử lý mới đạt khoảng 22.780 tỷ đồng (bằng 9% tổng số nợ gốc).
Như vậy, con số nợ xấu cộng từ VAMC và cộng ngay trong hệ thống ngân hàng thực sự chắc chắn vượt trên tỷ lệ 3%.
Trở lại với cơ cấu dòng vốn của NHNN hiện nay, về cơ cấu vốn, dòng tiền huy động của ngân hàng hiện nay chủ yếu là huy động vốn ngắn hạn (dưới 1 năm) trong khi đó cho vay chủ yếu là trung và dài hạn. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, dù thanh khoản hệ thống ngân hàng nói chung chưa đến mức rủi ro, song nhìn vào một số khía cạnh thì rất đáng báo động. Ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tín dụng trung và dài hạn tăng quá nhanh (31,8%) và chiếm tới 55%, trong khi vốn huy động trung và dài hạn chỉ 10%, đang tiềm ẩn rủi ro thanh khoản.
Do nợ xấu vẫn được neo, trong khi đó ngân hàng vẫn tiếp tục phải trả tiền gửi cho người gửi tiền. Ngầm hiểu rằng, ngân hàng đang đẩy lãi suất huy động lên cao để lấy phần tiền huy động được trả lãi cho người gửi trước.
Ngoài ra số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến thời điểm 20/3/2015, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,09% so với tháng 12/2014 (cùng kỳ năm trước tăng 3,56%). Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến thời điểm 20-3-2015 tăng 0,94% so với thời điểm cuối năm 2014 (cùng kỳ năm trước tăng 2,7%). Tín dụng đối với nền kinh tế tại thời điểm trên tăng 1,25% so với tháng 12/2014 (cùng kỳ năm trước giảm 0,57%). Điều này cho thấy, sức hấp thụ tín dụng của toàn nền kinh tế dù có nóng hơn, nhưng cũng không đủ sức để kéo lãi suất tăng mạnh như hiện nay.
Trước thực tế này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành khẳng định với Đại Đoàn Kết, nợ xấu vẫn là áp lực rất lớn với hệ thống ngân hàng.