Tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội: Không thay đổi chỉ tiêu các trường công lập
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2016 - 2017 tại Hà Nội dự kiến diễn ra từ ngày 8 đến 10/6. Từ nhiều năm nay, đây được coi là kỳ thi khá căng thẳng đối với các em học sinh cuối cấp THCS, để giành được một tấm vé vào trường công lập, trường điểm của Hà Nội.
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào 10 tại Hà Nội năm 2015.
Học sinh và phụ huynh lo lắng
Theo kế hoạch được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, năm nay Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục áp dụng phương thức tuyển sinh kết hợp thi tuyển với xét tuyển đầu vào lớp 10. Dự kiến năm học 2016 - 2017, toàn thành phố Hà Nội có 81.500 học sinh xét tốt nghiệp THCS và khoảng 67.500 học sinh thi tuyển vào lớp 10 hệ THPT. Trong đó, có 53.000 học sinh vào các trường công lập và hơn 14.000 học sinh sẽ vào các trường dân lập. Cũng như mọi năm, áp lực thi cử chuyển cấp năm nay cũng khiến cho nhiều học sinh và phụ huynh lo lắng, dồn sức vào ôn tập.
Một học sinh trường THCS Đoàn Kết – Hai Bà Trưng chia sẻ: Thời gian gần đây em thường lên mạng tìm kiếm các dạng đề của năm trước để ôn luyện. Bên cạnh đó, cũng tích cực tham gia vào các kỳ thi thử để biết được lực học của mình. Không chỉ có em mà tất cả các bạn trong lớp đều rất lo lắng. Để có một suất học tại trường công lập, ai cũng hăng say ôn tập, có bạn còn thuê cả gia sư về nhà để ôn lại những kiến thức đã học và luyện thi.
Cũng hồi hộp, lo lắng không kém gì các em học sinh, những vị phụ huynh cứ đến mùa thi lại như “ngồi trên đống lửa”. Anh Nguyễn Văn Cường (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có con chuẩn bị vào lớp 10 cho biết: “Trong khoảng thời gian này, gia đình luôn phải đôn đốc, tạo điều kiện cho con ôn tập tốt nhất. Nắm được tình hình những năm trước, nên năm nay nay gia đình cũng xác định sẽ phải luôn túc trực để xem thông báo của các trường, chẳng may con trượt nguyện vọng, còn phải chạy đi rút, nộp nguyện vọng vào trường khác cho con. Chỉ hi vọng làm sao con mình có thể vào học trường công lập, học phí thấp mà chất lượng yên tâm”.
Tỷ lệ “chọi” ít thay đổi
Trước những lo lắng phải chạy đua vào trường công lập, rồi thiếu chỗ học cho học sinh của các phụ huynh, ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định: Công tác tuyển sinh vào lớp 10 năm nay chúng tôi dự kiến, chỉ tiêu vào trường công lập giữ nguyên như năm ngoái. Thêm vào đó, với tổng số học sinh từ lớp 9 lên lớp 10 của năm nay là khoảng 81 nghìn học sinh, so với năm ngoái còn giảm khoảng 4 nghìn học sinh. Do vậy số lượng, cũng như sức ép về các trường THPT công lập sẽ giảm hơn so với năm ngoái. Số lượng cơ hội học sinh được vào trường công lập sẽ nhiều hơn.
Ông Đại cho biết thêm: Theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố, tỷ lệ các trường THPT công lập số lượng học sinh vào chiếm 60% nội thành, ngoại thành có thể tới 70%. Đối với tất cả các trường, Sở quán triệt, những trường nào đủ cơ sở vật chất, đủ giáo viên… thì Sở ủng hộ giao chỉ tiêu đầy đủ. Còn trường nào cơ sở quá kém thì Sở sẽ rà soát giảm chỉ tiêu.
Nói về kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, lãnh đạo một số trường THPT nhận định, tỷ lệ chọi vào các trường công lập sẽ không có nhiều thay đổi. Các thí sinh dự thi cần nắm chắc kiến thức, định hướng rõ sở trường, năng lực của mình để lựa chọn trường phù hợp.
Lãnh đạo Trường THPT Thực nghiệm (Hà Nội) cho rằng: Số lượng học sinh lớp 9 năm nay ít hơn so với các năm nên tỷ lệ chọi cũng chỉ “sàn sàn” như những năm trước. Hiện có những trường THPT tập trung vào giảng dạy kiến thức để tập trung cho các kỳ thi và có những trường THPT lại đào tạo theo hướng rèn luyện kỹ năng, phẩm chất cho học sinh. Phụ huynh và học sinh cần cân nhắc chọn trường cho phù hợp với năng lực và sở trường của các em.
Không nên chọn trường theo số đông
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) cũng đưa ra nhận định: Công tác thi lớp 10 không khác gì thi đại học. Trước hết các em phải xác định rõ năng lực, sở trường của mình về mỗi môn học, sau đó xác định rõ mình sẽ thi môn chuyên gì. “Có những học sinh lên lớp 9 rồi vẫn chưa thể hiện rõ năng lực mình thi môn gì. Cho nên, điều quan trọng nhất là các em phải thể hiện rõ năng lực của mình sẽ thi môn chuyên nào để tập trung vào môn chuyên đó. Như vậy thì kết quả thi mới cao”.
Một số chuyên gia giáo dục khác cũng góp ý rằng, phụ huynh và học sinh đừng nên lo lắng quá. Thay vì ra sức đi học thêm, học sinh có thể nắm vững kiến thức trên lớp và về nhà tự học hiệu quả. Để tránh tình trạng học vẹt, học sinh phải biết vận dụng, sáng tạo trên cơ sở những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Đặc biệt, càng sát ngày thi, học sinh cũng không nên học dồn dập quá nhiều kiến thức mà cần tạo tâm lý thoải mái, tự tin.
TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng góp ý: “Các em không nên chọn trường theo số đông mà không căn cứ vào năng lực của mình. Các em cần đăng ký nguyện vọng 1 vào trường mong muốn và tự tin đạt điểm đầu vào. Còn nguyện vọng 2, các em nên chọn trường tốp dưới có điểm chuẩn thấp hơn trường nguyện vọng 1”.
Ông cho rằng, ngoài yêu cầu chắc kiến thức thì yêu cầu về đăng ký nguyện vọng phù hợp là khâu quan trọng nhất để đạt mục tiêu trúng tuyển. Bởi thực tế, qua các năm, nhiều em đạt điểm khá cao nhưng vẫn trượt nguyện vọng. Vì vậy, học sinh phải thật cân nhắc dựa vào sức học của bản thân để chọn trường có điểm chuẩn tương ứng, hoặc thấp hơn.