Lo cho những cây cầu sắt
Là giao điểm của giao thông đường thủy và đường bộ, hàng chục cây cầu sắt ở ngoại ô TP Hồ Chí Minh đang là nỗi lo lắng của rất nhiều người dân. Với đặc điểm có tuổi đời lâu năm, những cây cầu sắt nhiều nơi đã hoen gỉ này đang khiến nhiều người vô cùng bất an.
Theo thống kê, ở thành phố hiện nay có khoảng hơn 100 cây cầu yếu, xuống cấp và khoảng 35% trong số đó là cầu sắt đang được sử dụng mục đích giao thông cả trên bộ lẫn dưới nước. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là khi các phương tiện giao thông có sự thay đổi lớn về kích cỡ, tốc độ nhiều cây cầu sắt không đáp ứng được, nhất là về khoảng không lưu và độ rộng của khoảng thuyền. Khả năng đâm va, gây tai nạn cả trên bộ lẫn dưới nước ngày càng tăng, khi các cây cầu ngày càng xuống cấp.
Ngoài ra, một số người dân còn cho biết, cầu sắt nhanh xuống cấp hơn so với các loại cầu khác. Đặc biệt, nhiều cây cầu sắt chỉ cho xe 2 bánh, người đi bộ lưu thông nhưng vì nhiều lý do, xe ba gác hay thậm chí xe bốn bánh vẫn tham gia. Đấy là chưa kể dưới nước, nhiều ghe thuyền lớn vẫn thường xuyên lưu thông.
Cụ thể, tại tuyến đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) hiện có 4 cây cầu sắt đều xây dựng từ trước năm 1975, đã xuống cấp nghiêm trọng. Một người dân ở đây cho biết, thời gian qua, tuyến đường bộ ở đây đã nâng cấp khá nhiều trong khi 4 cây cầu sắt thì vẫn i nguyên, chưa sửa sang xây mới gì. “Đường đẹp, xe cộ qua lại nhiều hơn khiến nguy cơ của những cầu sắt này càng thêm nhiều. Rồi các ghe thuyền, sà lan chở trái cây, nguyên vật liệu chạy ầm ầm suốt ngày đêm dưới nước cũng làm nhiều người thót tim khi nghĩ tới số phận của các cây cầu này. Đấy là chưa nói lúc giờ cao điểm, có khi kẹt xe cả tiếng trên cầu khiến ai cũng lo lắng”, bà Hà, một người dân ở xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) chia sẻ.
Ông Trần Quang Lâm, phó Giám đốc Sở GTVT thành phố cho biết, để đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông thời gian tới, nhiều cây cầu sẽ được lắp đặt các luồng cảnh báo dưới nước, các camera theo dõi cả ở trên cạn lẫn dưới mặt nước nhằm tăng cường cảnh giác cho các phương tiện.
Đặc biệt, ở những cây cầu có lượng người xe, ghe thuyền qua lại đông, dễ xảy ra sự cố thì cần có người canh gác suốt 24/24 giờ. Ngoài ra, ông Lâm cũng nhấn mạnh, sẽ gia cố, làm mới các cây cầu quá yếu, gây nguy hiểm cho người dân. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất khó khăn vì kinh phí hạn hẹp trong khi nhu cầu lại quá lớn.
Có thể nói, trong thời gian chờ đợi khắc phục, xây mới thì không còn cách nào khác, người dân vẫn ngày ngày phải di chuyển trên những cây cầu sắt rung bần bật khi xe chạy qua mà không có bất cứ lựa chọn nào.