Tranh cãi xung quanh các tài liệu mật 'Panama Papers'

Khánh Duy 07/04/2016 08:35

Công ty luật có trụ sở ở Panama hiện đang là tâm điểm của vụ bê bối rò rỉ lớn nhất lịch sử ngành báo chí thế giới hôm 6/4 nói rằng, họ là nạn nhân của một vụ tấn công mạng có nguồn gốc từ bên ngoài công ty, và hiện đang đâm đơn kiện lên cơ quan công tố nhà nước.

Tranh cãi xung quanh các tài liệu mật 'Panama Papers'

Ảnh minh họa.

Một trong những sáng lập viên của công ty Mossack Fonseca, ông Ramon Fonseca, nói rằng công ty của ông - chuyên thành lập các công ty nước ngoài - không vi phạm bất cứ điều luật nào và rằng tất cả các hoạt động cảu họ là hợp pháp. Ông Ramon cũng cho hay từ trước đến nay họ không hề tiêu hủy bất cứ tài liệu nào hoặc giúp bất cứ ai trốn thuế hay rửa tiền cả, ông này nói với hãng tin Reuters.

Trước đó, hệ thống thư điện tử và các tài liệu mật của công ty này đã được công khai trong loạt bài điều tra của Hiệp hội các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) có trụ sở ở Mỹ cùng các hãng truyền thông khác trên thế giới. Ông Ramon khẳng định rằng, các tài liệu trên đã cố tình “bị đặt trong bối cảnh không đúng” và bị hiểu nhầm.

“Chúng tôi đã loại bỏ khả năng rò rỉ từ bên trong công ty. Đây không phải là rò rỉ mà là bị tấn công mạng” - ông Ramon Fonseca, 63 tuổi, tuyên bố trước trụ sở của công ty tại khu vực kinh doanh nhộn nhịp nhất của thành phố Panama - “Chúng tôi có một giả thiết và chúng tôi đang theo sát nó”.

Ông Ramon cho hay công ty Mossack Fonseca đã đâm đơn kiện đến văn phòng Tổng chưởng lý Panama và hiện văn phòng này đã giao nhiệm vụ điều tra cho một đơn vị chuyên biệt.

Trong khi Mossack Fonseca trần tình về sự trong sạch của mình, hàng loạt chính phủ trên khắp thế giới đã bắt đầu lao vào các cuộc điều tra rầm rộ nhằm vạch mặt các đại gia siêu giàu và các chính trị gia có tên trong 11,5 triệu trang tài liệu mật bị rò rỉ của “Panama Papers”, trong suốt 4 thập kỷ qua.

Các tài liệu mật bị rò rỉ đã vạch trần các hoạt động tài chính ngầm của rất nhiều các lãnh đạo và người nổi tiếng trên thế giới, trong đó có thể kể đến những người thân tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin, thân nhân của Thủ tướng Anh, Pakistan; Thủ tướng Ukraine và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình…

Trong hôm 5/4, Thủ tướng Iceland, ông Sigmundur David Gunnlaugsson, đã buộc phải từ chức do bị phanh phui có các khoản lợi tài chính bí ẩn đến từ một công ty nước ngoài, trong khi trước đó vị lãnh đạo này tuyên bố sẽ không bao giờ từ chức. Ông Gunnlaugsson đã trở thành nạn nhân đầu tiên của vụ bê bối này.

Lý giải về nội dung các tài liệu bị rò rỉ, ông Ramon Fonseca nói rằng: “Các bức thư điện tử đã bị đặt trong bối cảnh sai”.

Ông Ramon còn phàn nàn rằng giới báo chí đã quá nhạy cảm và quá tích cực tuyên truyền các tài liệu này. Ông cũng thể hiện quan ngại rằng các đối thủ của công ty Mossack Fonseca có khả năng đứng đằng sau vụ bê bối rò rỉ tài liệu mật này, bằng chứng là công ty ông đã bị “hack từ các server nước ngoài”.

“Tội danh duy nhất mà chúng ta thấy ở đây là một vụ tấn công mạng” - ông Ramon nói - “Thế mà chả ai đả động gì về điều đó”.

Theo Ramon Fonseca, công ty ông có đội ngũ nhân viên vào khoảng 500 người, 300 trong số này làm việc ở Panama, nhưng lại từ chối bình luận về cấu trúc công ty hoặc các chi nhánh của họ trên thế giới. Ramon nói rằng việc thành lập một công ty có mức chi phí vào khoảng 700 đến 1.000 USD, và phần lớn chi phí này sẽ đến tay chính phủ. Đến nay, sau 40 năm hoạt động, Mossack Fonseca đã thành lập được khoảng 250.000 doanh nghiệp lớn nhỏ.

Vị doanh nhân đang chịu sự chỉ trích này cũng thêm rằng, chi phí thành lập doanh nghiệp ở bang Nevada của nước Mỹ thậm chí còn rẻ hơn. Trong khi các điều luật về doanh nghiệp được thắt chặt, Mossack Fonseca cũng đã thay đổi để hoạt động phù hợp với luật pháp.

Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố nhằm hóa giải sự chỉ trích nhằm vào Mossack Fonseca, Panama vẫn nằm trong tâm điểm của cơn địa chấn mang tên “Panama Papers” và hậu quả đã bắt đầu rơi xuống đầu họ.

Trong hôm 5/4, Pháp đã tuyên bố sẽ đặt quốc gia Trung Mỹ này vào “danh sách đen” các nước không hợp tác và không có quyền tài phán về thuế. Sau sự việc, Alvaro Aleman, đại diện của Tổng thống Panama Juan Carlos Valera, nói trong một cuộc họp báo rằng, chính phủ Panama có thể sẽ đưa ra hành động đáp trả bằng các biện pháp tương tự đối với Pháp, hoặc với bất cứ nước nào theo chân Pháp.

“Đây là một cơn bão nhiệt đới, cũng giống như cơn bão mà chúng tôi đang hứng chịu ở Panama, và khi cơn bão qua đi mặt trời sẽ lại ló rạng” - Ramon Fonseca nói - “Tôi đảm bảo với các bạn rằng chúng tôi sẽ không bị buộc tội vì bất cứ điều gì”.

Khánh Duy