Thừa Thiên-Huế: Ngư dân khốn khó vì luồng cảng bị bồi lấp
Do không được tổ chức nạo vét thường xuyên nên luồng lạch ra vào cảng Thuận An huyện Phú Vang và một số luồng ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày càng bị bồi lấp nghiêm trọng, khiến tàu thuyền ra vào biển rất khó khăn. Đặc biệt, tại xã Lộc Vĩnh nhiều tàu thuyền của ngư dân thường xuyên mắc cạn hoặc bị sóng biển đánh chìm...
Cửa biển Lạch Giang chưa được khơi thông khiến tàu thuyền của ngư dân đi lại hết sức khó khăn.
Tàu thuyền gặp khó
Nhiều năm trước, luồng chạy tàu vào cảng Thuận An là nơi ra vào tấp nập của hơn 1.000 tàu, thuyền lớn nhỏ ở các xã Phú Hải, Phú Thuận, Phú Diên (huyện Phú Vang)... và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sau những lần được Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức nạo vét từ năm 2010 thì đến nay, luồng cảng này dần bị bồi lấp khiến khiến tàu cá ra vào cảng thường xuyên đối mặt với sự mất an toàn.
Tàu cá TTH - 95141 chỉ là một trong nhiều tàu cá đã gặp nạn tại luồng cảng này. Ông Nguyễn Văn Bảy - chủ tàu cho biết: Luồng chạy tàu của cảng Thuận An theo thông báo rộng 60m nhưng thực tế chỉ rộng khoảng 20 - 30m do bị bồi lấp nặng, chiều sâu của luồng nhiều chỗ chỉ khoảng 1m. Đây không khác nào một cái bẫy nên chỉ cần thiếu may mắn là tàu của chúng tôi mắc cạn và bị sóng đánh chìm, nhất là khi chạy vào ban đêm”- ông Bảy nói.
Đã có rất nhiều trường hợp tàu cá vào đến cửa biển nhưng không thể cập cảng Thuận An nên phải quay ra để cập cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc) hoặc cảng Đà Nẵng, chi phí đánh bắt vì thế bị đội lên rất cao. Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng tàu hàng cập cảng biển này giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Qua thống kê của Phòng Tổ chức hành chính, Công ty cổ phần Cảng Thuận An thì, cảng Thuận An được xây dựng với công suất xếp dỡ hàng hóa khoảng 400.000 tấn/năm nhưng vài năm trở lại đây chỉ đạt khoảng 60.000 tấn/năm. Nguyên nhân là do tàu có trọng tải từ 600 đến 1.000 tấn không thể cập cảng vì... luồng cảng quá cạn.
Theo ý kiến của ngư dân Nguyễn Xuyến ở thị trấn Thuận An, nạo vét phải rộng, cát nạo vét từ luồng cảng không nên đổ ra cửa biển như thời gian qua mà phải đổ ở vị trí khác và xa hơn chứ đổ trước cửa biển như vậy cát sẽ bị sóng đánh lấp vào luồng chạy tàu như cũ... Mặt khác, hai bên bờ biển phía thị trấn Thuận An và xã Hải Dương phải được kè chống sạt lở...
Ngư dân trước nguy cơ bỏ biển
Trong quá trình mở rộng đường ra cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vào giữa năm 2014 và nâng cấp cầu cảng số 2, công trình này không chỉ làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ biển mà còn bồi lấp cửa biển Lạch Giang, buộc cho hàng trăm phương tiện tàu thuyền phải nằm bờ từ nhiều tháng nay mặc dù hiện nay đang là thời kỳ đáng bắt cá chính vụ.
Ông Nguyễn Văn Hòa ngư dân thôn Bình An 1, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc bức xúc kể lại: Trước đây cửa Lạch Giang rộng và sâu, nhưng sau khi xây dựng đường lớn nối ra cầu cảng Chân Mây cửa biển đã bị bồi lấp đi một phần, làm mất dòng chảy tự nhiên. Đặc biệt khi nhà thầu tổ chức thi công đường, đất đá đổ xuống khiến cả đoạn cuối cửa Lạch Giang thông ra biển bị bồi lấp.
Theo ông Hòa, bà con muốn đi đánh bắt phải chờ triều cường dâng lên lúc đó tàu thuyền mới ra biển được. Rất nhiều tàu thuyền ngư dân bị hư hỏng nặng do va đập vào đá khi ra vào cửa Lạch Giang, hoặc mắc cạn phải huy động hàng trăm người dân cứu hộ. Mới đây nhất là trường hợp hai chiếc tàu của anh Phan Định và Phan Hiền ở thôn Bình An 2, xã Lộc Vĩnh vừa ra đến cửa Lạch Giang bất ngờ mắc cạn bị sóng đánh chìm, gãy bánh lái, hư hỏng nặng, hơn 10 ngư dân trên tàu may mắn bơi được vào bờ.
Qua thống kê từ UBND xã Lộc Vĩnh đến nay đã có 43 chân vịt và hàng chục bánh lái bị gãy. Trên thực tế hiện cửa biển Lạch Giang bị sạt lở nghiêm trọng từ khi ảnh hưởng cơn bão số 3 năm 2015.
UBND xã Lộc Vĩnh đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh, BQL Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông luồng lạch, dòng chảy cho ngư dân ra vào cửa biển, thế nhưng đến thời điểm này, cửa biển Lạch Giang vẫn chưa được khơi thông, bà con ngư dân tiếp tục viết đơn thư cầu cứu. Trong khi đó 95% số hộ ngư dân của các thôn Bình An 1, Bình An 2 và Phú Hải, xã Lộc Vĩnh sống dựa vào nghề khai thác biển.
Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: Hiện nay ngư dân gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề đi lại, lưu thông trên cửa biển. Khi gió cấp 2, cấp 3 thì ngư dân không thể đi lại được. Chính quyền địa phương đề nghị các cấp, các ngành sớm triển khai dự án nạo vét cửa Lạch Giang bị bồi lấp tạ điều kiện cho ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển.