Cảnh sát giao thông có quyền 'sáng tạo' phạt?

Kiên Long - Thanh Tùng 07/04/2016 00:41

Thông tin CSGT Đà Nẵng bắt một sinh viên vi phạm Luật Giao thông ngồi bên vệ đường chép nhiều lần lời hứa không vi phạm, thay vì phạt tiền đang gây nhiều luồng ý kiến trái chiều. Cảnh sát giao thông có được “sáng tạo” ra các chế tài ngoài luật? Việc làm trên là ngẫu hứng của nhóm CSGT hay chủ trương của Công an Đà Nẵng?

Cảnh sát giao thông có quyền 'sáng tạo' phạt?

CSGT Đà Nẵng phạt nữ sinh đi ngược chiều bằng cách chép phạt.

Những “sáng kiến” không giống ai

Trên mạng xã hội những ngày qua xôn xao việc cô sinh viên một trường Cao đẳng ở Đà Nẵng ngồi chép phạt khi mắc lỗi đi ngược chiều. CSGT làm nhiệm vụ ở nút giao Ngũ Hành Sơn- Hồ Xuân Hương (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) thay vì phạt lỗi theo quy định đã bắt cô sinh viên này chép ra giấy 30 lần câu “Tôi hứa không đi ngược chiều nữa”.

Theo người nảy ra “sáng kiến” thì: “Xét hoàn cảnh sinh viên ở xa đến trọ học, không rành đường, nên nếu khăng khăng bắt phạt thì không nỡ. Nhưng nếu tha ngay thì các bạn sẽ không nhớ lần vi phạm này, nên chép phạt rất gần gũi với sinh viên và sẽ khiến các bạn trẻ nhớ rất kỹ. Hình thức này vừa mang tính răn đe, vừa có ý nghĩa nhân văn”. Và hiệu quả thì theo tâm sự của cô sinh viên: “Giờ có cho tiền em cũng không dám chạy ngược chiều nữa. Cách xử phạt dễ thương nhưng rất thấm thía”.

Đây không phải lần đầu tiên Đà Nẵng áp dụng những “sáng kiến” kiểu này. Những cách làm không giống ai trên nhiều lĩnh vực đã từng được thực hiện ở Đà Nẵng. Ngay trong lĩnh vực xử phạt vi phạm giao thông, từng có chuyện CSGT bắt người vi phạm phải mua kẹo cao su cho một cụ già vì cụ chưa bán được hàng cùng với lời hứa không tái phạm. Hay người ở tỉnh khác vô ý vi phạm đi vào đường ngược chiều, vượt đèn đỏ, thay vì “đè ra lập biên bản” lại được các CSGT tận tình hướng dẫn...

Những việc làm như trên đã tạo ra một kiểu cách của Đà Nẵng. Theo nhiều người thì cách xử xự như vậy có hiệu quả rất lớn. Tuy nhiên, cũng không ít người cho rằng, làm như vậy là dung túng cho vi phạm, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật.v.v.

Xung quanh vụ việc chép phạt, ngày 6/4, Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Đà Nẵng, đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết. Đại tá Lê Ngọc cho biết, trong quá trình tuần tra kiểm soát, CSGT chỉ xử phạt người vi phạm luật giao thông bằng 2 hình thức là phạt tiền và cảnh cáo.

Do bối cảnh tổ chức giao thông tại nơi xảy ra vụ việc đang tồn tại nguyên nhân khách quan là biển báo bị che khuất, hơn nữa 2 nữ sinh lại là người tỉnh khác nên CSGT đã chọn hình thức cảnh cáo.

Việc CSGT (thiếu úy Huỳnh Phước Chiến của Đội CSGT quận Ngũ Hành Sơn) nói với 1 trong 2 nữ sinh viên thay vì phạt cảnh cáo (bằng tiền với mức phạt là 300.000 đồng) thì ngồi tại chỗ, chép phạt là không đúng luật. Đại tá Lê Ngọc khẳng định CSGT Đà Nẵng không phát huy và không nhân rộng hình thức yêu cầu người vi phạm “chép phạt” này.

Người vi phạm tâm phục khẩu phục

Mỗi năm, lực lượng CSGT Đà Nẵng xử lý khoảng 60.000 trường hợp vi phạm luật giao thông, trong đó có nhiều trường hợp chỉ nhắc nhở. Tuy nhiên, dù cho bất cứ hình thức tuyên truyền, cách làm nào thì cũng phải tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Với việc chép phạt, Thiếu úy CSGT quận Ngũ Hành Sơn Huỳnh Phước Chiến cho biết, mục đích của việc yêu cầu người phạm luật giao thông ngồi tại chỗ “chép phạt” là để họ nhận ra lỗi, tâm phục khẩu phục.

Còn Trung tá Trần Viết Hòa, Đội trưởng Đội CSGT quận Ngũ Hành Sơn thừa nhận, chỉ có 2 hình thức phạt người vi phạm luật giao thông là nộp tiền và cảnh cáo nhưng với những trường hợp cần nghiêm khắc, cảnh sát sẽ rất nghiêm khắc, còn với những trường hợp vô ý, nhỡ vi phạm thì cần linh hoạt trong xử lý, nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Theo các nghiên cứu, thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thì trong các nguyên nhân gây tai nạn, ùn tắc giao thông thì nguyên nhân do ý thức của người tham gia giao thông vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Vì vậy, để kiềm chế tai nạn giao thông, mục tiêu đầu tiên luôn là giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật giao thông.

Các chế tài pháp luật để xử lý các vi phạm nói chung và vi phạm pháp luật giao thông nói riêng đều nghiêm khắc nhưng mục tiêu chính không phải là trừng phạt, răn đe mà mục tiêu giáo dục, tuyên truyền để phòng ngừa vi phạm vẫn luôn được đặt lên hàng đầu.

Việc nhóm CSGT Đà Nẵng “sáng tạo” ra cách phạt, áp chế tài “chép phạt” thực sự thu hút sự quan tâm của dư luận. Dù cách làm trên không đúng luật, tuy nhiên nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình, cổ vũ. Với luồng ý kiến này, điều quan trọng là hiệu quả trong việc xử phạt, bởi theo họ dù mức phạt có nghiêm khắc đến đâu nhưng người bị phạt không tâm phục khẩu phục thì việc tái phạm chắc còn tái diễn, các vi phạm không những không được hạn chế mà đôi khi còn nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia pháp luật lại có cái nhìn thận trọng hơn. Luật sư Lê Thiên, Văn phòng Luật sư Lê và Liên danh cho rằng thực tiễn áp dụng pháp luật được người dân ghi nhận đặt ra yêu cầu cho các cơ quan chức năng, nhà làm luật phải xem lại cách lường hóa các quy phạm, các mức chế tài. Thực tiễn cuộc sống đòi hỏi, hệ thống pháp luật phải bổ sung, thay đổi để đáp ứng đòi hỏi của xã hội.

Kiên Long - Thanh Tùng