Nhiều ý kiến trái chiều vụ CSGT Đà Nẵng yêu cầu nữ sinh chép phạt

Từ Khôi - Tinh Anh - Hoàng Đức (ghi) 07/04/2016 08:17

Xung quanh vụ việc CSGT Đà Nẵng thay vì xử phạt lại đề nghị người vi phạm viết lời hứa không vi phạm, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi ngắn với một số luật sư cũng như người dân Thủ đô. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến:

Nhiều ý kiến trái chiều vụ CSGT Đà Nẵng yêu cầu nữ sinh chép phạt

Thay vì phạt hành chính, CSGT Đà Nẵng yêu cầu nữ sinh phạt chép phạt.

Luật sư Phạm Quốc Bình (Đoàn luật sư TP Hà Nội): Không được chuyển hình thức xử phạt

Hai cô gái đi xe mô tô vào đường có biển báo ngược chiều là hành vi vi phạm pháp luật. Căn cứ theo Điều 6 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thì mức xử phạt cho hành vi này là “Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng”.

Thay vì xử phạt hành chính, CSGT có thể thấy mức độ hành vi vi phạm không gây nguy hiểm thì có thể nhắc nhở người tham gia giao thông, chứ không được chuyển hình thức xử phạt hay nhắc nhở sang việc đề nghị hai cô gái vi phạm giao thông chép đủ trang A4 với nội dung “Tôi hứa sẽ không đi ngược chiều nữa”.

Về phía hai nữ sinh, nếu thấy không thoải mái trước đề nghị của CSGT thay hình thức xử phạt bằng hình thức chép lời hứa lên giấy thì có thể từ chối.

Luật sư Nguyễn Văn Sơn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Có thể dùng biện pháp thay thế

Tôi cho rằng bất cứ chế tài (phạt) nào, dù là hành chính, hình sự hay gì đi chăng nữa thì mục đích cuối cùng cũng là để người vi phạm nhận ra lỗi lầm vi phạm, tâm phục khẩu phục, từ đó mới thay đổi nhận thức để không mắc sai lầm nữa. Đơn cử ngay cả khi xử phạt tù một người phạm tội hình sự thì quan điểm của Nhà nước cũng là khoan hồng, điều tra, truy tố, xét xử theo hướng có lợi nhất cho bị can, bị cáo. Vậy thì trong vi phạm hành chính cũng thế thôi, có thể phạt nặng, nhẹ, hoặc dùng biện pháp thay thế như giao cho gia đình, nhà trường, địa phương giáo dục...

Trong trường hợp cụ thể là hai nữ sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ và bị CSGT Đà Nẵng xử phạt bằng việc yêu cầu chép phạt “tôi hứa không đi ngược chiều nữa” (tôi nhấn mạnh là yêu cầu chứ không phải bắt buộc, bởi nếu 2 nữ sinh đó không chấp hành việc chép phạt thì CSGT cũng chẳng thể làm gì được) thì quan điểm cá nhân của tôi là ủng hộ. Ủng hộ bởi lẽ từ xưa đến nay thực tiễn cho thấy cần có sự uyển chuyển giữa pháp trị và đức trị, không nên cứ cái gì cũng đè ra để phạt.

Anh Nguyễn Văn Việt (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội): Nên xử lý linh hoạt

Tôi rất hoan nghênh cách xử lý linh hoạt của đồng chí CSGT ở Đà Nẵng đối với em nữ sinh trên. Đối với lứa tuổi học sinh, nhận thức về pháp luật còn hạn chế thì cách xử lý nhằm mục đích nhắc nhở, giáo dục và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật là hiệu quả nhất. Bởi các em còn bồng bột, lại chưa có tiền để nộp phạt nên xử phạt linh hoạt làm sao để các em nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông.

Chị Trần Mai Phương (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội): Cần có quy định mở

Cách xử phạt bằng cách chép lại mức phạt nhiều lần như vậy mang tính chất giáo dục các em học sinh hơn là xử phạt. Từ đó, các em sẽ nhận ra việc vi phạm của mình, tự cảm thấy xấu hổ với bạn bè. Từ đó, các em sẽ tự có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật. Nhưng để pháp luật không bị áp dụng tùy tiện, nên chăng ngành chức năng cần có những quy định “mở” và linh hoạt hơn trong xử lý, xử phạt người tham gia giao thông. Trường hợp nào cố tình vi phạm thì phạt nghiêm khắc là đương nhiên nhưng đối với những người vô ý vi phạm do không quen đường thì nên linh hoạt để nhắc nhở và giáo dục là chính.

Từ Khôi - Tinh Anh - Hoàng Đức (ghi)