Minh bạch thông tin
Sáng 6/4, Quốc hội đã bấm nút thông qua Dự án Luật Tiếp cận thông tin với 88,46% ĐBQH tán thành. Dự luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2018. Luật đã nhấn mạnh: Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; Thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Theo như Dự luật này vừa được QH thông qua thì phần “mở” cho nhân dân tiếp cận không phải là nhỏ. Cụ thể, “Thông tin về dự toán ngân sách nhà nước; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước; dự toán, tình hình thực hiện, quyết toán ngân sách đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước; thủ tục ngân sách nhà nước.
Thông tin về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; báo cáo đánh giá kết quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp; báo cáo giám sát tình hình thực hiện công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp và doanh nghiệp nhà nước. Thông tin về sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ có tác động tiêu cực đến sức khoẻ, môi trường; kết luận kiểm tra, thanh tra, giám sát liên quan đến việc bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, an toàn thực phẩm, an toàn lao động”- đó là những thông tin được cung cấp theo quy định của Luật này.
Ông Trần Ngọc Vinh.
Tại phiên thảo luận mới đây trên nghị trường QH, khi nói về Dự thảo luật, ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, về chủ thể cung cấp thông tin như Dự thảo Luật nêu ra chỉ có cơ quan nhà nước là chưa đầy đủ. Đồng thời, theo phân tích của ĐB, cần bổ sung quyền tiếp cận thông tin với người bị hạn chế năng lực dân sự và người khuyết tật qua người bảo trợ. Về điểm này, trong Dự luật vừa được thông qua đã chỉ rõ: Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Nhưng, “Việc công khai thông tin là biện pháp thực hiện nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” cũng là một trong những băn khoăn của ĐBQH đã được tiếp thu ra sao? Bởi, việc quy định rõ, thông tin nào là có thể tiếp cận, thông tin nào không thể tiếp cận cũng giống như một hành lang pháp lý để người dân biết mình được làm gì và không được làm gì trong quá trình tìm kiếm thông tin, phục vụ cho đời sống, sinh hoạt của gia đình, cộng đồng.
Nói như ĐB Vinh không phải không có lý. Cái lý ở đây chính là, càng quy định rõ trong luật một cách công khai, càng tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức và công dân và thông tin nào thuộc dạng không được hoặc không thể tiếp cận phải được luật định chứ không phải theo ý chí chủ quan của một người đứng đầu cơ quan- tổ chức. Thực tế cho thấy, đã có nhiều trường hợp trong quy hoạch sử dụng đất, thông tin không được hoặc quá chậm công khai minh bạch, tạo điều kiện cho các thông tin ngoài luồng có dịp “nở rộ’- đó cũng rất có thể là cách để một bộ phận tìm cách trục lợi từ những thông tin “nửa kín, nửa hở”.
Bà Bùi Thị An.
ĐBQH Bùi Thị An (TP Hà Nội) khi nói về vấn đề này đã cho rằng, luật quy định cần rõ ràng để đề phòng thông tin không mật nhưng cơ quan có thông tin không công bố. Dẫn ví dụ, chẳng hạn như thông tin quy hoạch ở Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng, chỉ cần biết trước thông tin quy hoạch mở đường, dự án thì sau một đêm, một ngày hay một tuần nhiều người đã giàu lên rất nhanh. Người ta nói “bí mật” nhưng rất nhiều người vẫn biết. Vì vậy bà An đề nghị, cái nào mật liệt kê luôn để người dân biết, tránh trường hợp không mật thành mật, không mật cũng đóng dấu mật để phục vụ lợi ích nhóm.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn.
Tệ hơn, nó có thể trở thành ‘bẫy” để bắt lỗi; thậm chí “bắt tội” công dân khi chỉ một chữ “mật” đóng trên đầu văn bản được quyết định bởi một người đứng đầu cơ quan, tổ chức một cách không đúng quy định hay đóng theo kiểu “lạm phát” có thể khiến người dân hoàn toàn mất quyền tiếp cận.
Nói như nguyên Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, “Tình hình sức khoẻ của cán bộ đi nước ngoài có gì đâu mà bí mật. Việc không công khai gây nên đồn thổi không tốt, xáo trộn bất ổn xã hội”. Còn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói: “Đến thư mời đi họp cũng ghi mật thì còn gì để công khai. Do đó cần có danh mục những loại thông tin không được cung cấp và thể hiện trong luật”. Đó là những vấn đề được nêu ra khi luật mới ở trên bàn dự thảo; là thực tế sống động từ cuộc sống những năm qua mà dân gian vẫn thường hay đề cập. Và đó có lẽ cũng là một trong những mục đích cần hướng tới của Dự luật. Minh bạch thông tin để phòng chống tham nhũng.
Còn ĐB Trần Ngọc Vinh thì nói thẳng: “Quy phạm pháp luật phải cụ thể, rõ ràng, để người dân biết phải đi thế nào, đi chỗ nào và đâu là vùng cấm. Không nên quy định mập mờ khiến người dân không xác định được hướng phải đi thì vô hình trung luật trở thành cái bẫy với công dân”.
Có lẽ cũng từ những phát biểu thẳng thắn của các ĐBQH mà trong Dự luật vừa được thông qua đã chỉ rõ: Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Dự luật tiếp cận thông tin như vậy là đã được thông qua tại kỳ họp cuối cùng của QH khóa XIII song cũng còn phải một thời gian nữa mới chính thức có hiệu lực. Từ nay tới đó là khoảng thời gian để tổ chức và công dân tiếp và làm quen với việc tiếp cận quyền được biết, quyền minh bạch những thông tin liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội.
Một điểm rất quan trọng là Dự luật có quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm giám sát xã hội việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân. Nhưng, có lẽ, cơ quan, tổ chức cũng chẳng nên đợi đến lúc được giám sát mới minh bạch, công khai thông tin mà ngược lại nên chủ động trong thông tin với những thông tin người dân hoàn toàn có quyền được biết.