Trường nghề đổi mới để tuyển sinh
Trong xu thế hội nhập hiện nay, nhiều trường CĐ nghề gặp áp lực khi phải đào tạo ra nguồn nhân lực đạt chuẩn trong nước và khu vực. Bên cạnh đó, áp lực về công tác tuyển sinh từ sau khi thực hiện kỳ thi THPT Quốc gia theo Quy chế của Bộ GD&ĐT cũng đặt nặng lên các trường nghề. Để thay đổi tư duy vào ĐH của xã hội và thu hút thí sinh, các trường CĐ nghề đã từng bước “lột xác”, tạo cơ chế mới để cạnh tranh.
Ảnh minh họa.
Tăng thực hành, giảm lý thuyết
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh CĐ nghề Cơ điện HN, để đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hội nhập trong giai đoạn hiện nay, chương trình đào tạo của trường đã có nhiều thay đổi. Nhà trường liên kết với một số trường của nước ngoài như Hàn Quốc, Úc, tiếp cận chương trình đào tạo, công nghệ của họ để định hướng sinh viên khi ra trường có cơ hội tiếp cận cao, đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp.
“Hiện chương trình đào tạo của chúng tôi gắn liền lý thuyết với thực hành, mức độ các em thực hành tối thiểu là 70% ở các xưởng, nhà máy, và dạy lý thuyết tối đa 30%” – ông Tuấn cho hay.
Bên cạnh đó, ông Tuấn đánh giá, yếu tố quan trọng để các em sinh viên bắt tay với công việc được ngay khi ra trường là bắt tay với doanh nghiệp. Ví dụ trường CĐ Cơ điện HN có chương trình cam kết việc làm với người học. Sinh viên nào đăng ký học công nghệ hàn, công nghệ ô tô, cơ điện tử… với mức lương tối thiểu 5 triệu đồng có thể ký cam kết thực hiện với nhà trường. Tỷ lệ ra trường, những nghềtrọng điểm khối ngành kỹ thuật đa số các em có việc làm 100%. Các khoa khác như kế toán, cũng được nhà trường tổ chức giới thiệu.
Tương tự, ông Lê Minh Tiến, Trưởng phòng tuyển sinh CĐ nghề Đại Việt cũng cho rằng: Xu thế được áp dụng tích cực nhất cho các trường nghề hiện nay là liên kết với doanh nghiệp, tăng cường thực hành cho sinh viên.
Đổi mới cơ chế chính sách để tuyển sinh
Ông Tuấn cho biết: Trường CĐ nghề Cơ điện HN là 1 trong 45 trường trọng điểm chất lượng cao theo quyết định của Chính phủ. Nhà trường đào tạo sinh viên theo chương trình định hướng của Bộ và tất cả những ngành nghề trọng điểm nhà trường đăng ký với Bộ có hướng đào tạo tuyển riêng.
Trao đổi về công tác tuyển sinh của các trường nghề nói chung, ông Tuấn cho rằng, đây là khó khăn chung của tất cả các trường CĐ. Đại đa số nguyện vọng cũng như tâm lý của phụ huynh là muốn cho các em vào ĐH. Tuy nhiên, gần đây khi có rất nhiều em học sinh khi học ĐH ra không có việc, thì cũng đã bắt đầu có xu hướng vào học nghề để có việc làm ngay.
Về điều này, ông Lê Minh Tiến cũng khẳng định: Công tác tuyển sinh của nhà trường cũng như các trường nghề nói chung trong 2 năm nay đều khó khăn. “Để có thể tiếp tục phát triển, nhà trường đã có nhiều thay đổi trong cách thức tuyển sinh, đào tạo, đi sâu thực hành nhiều hơn so với thời gian trước. Nhà trường tăng 60% thời lượng thực tập cho sinh viên tại các doanh nghiệp. Song song với đó, cũng cam kết lo đầu ra cho các em.
Trong mùa tuyển sinh 2016, nhà trường cũng tăng cường các chính sách hỗ trợ, tặng quà để thu hút thí sinh. Ví dụ, năm thứ nhất miễn toàn bộ học phí, giảm 50% phí kí túc xá. Đến năm thứ 2 miễn giảm 50% học phí, năm 3 thu học phí hoàn toàn với giá ưu đãi chỉ 550 nghìn/tháng. Đồng thời giúp các em trong quá trình học như hỗ trợ chi phí, bảo lưu nếu có nguyện vọng đi du học, xuất khẩu lao động...
Cũng có không ít trường cam kết ứng dụng chuyên môn, tối ưu hóa thời lượng thực hành, ký kết các doanh nghiệp để nâng cao kỹ năng cho sinh viên.
Nhiều lãnh đạo trường nghề chia sẻ: Nghe trường tư, trường dân lập nhiều người rất… sợ. Thế nhưng xu thế là sẽ chuyển sang học để ra làm việc. Năm vừa rồi, Bộ LĐ,TB&XH đã thống kê tới 225 nghìn cử nhân thất nghiệp, đó là bài toán rất khó giải.