Thiếu trường mầm non ở khu công nghiệp

Đoàn Xá 08/04/2016 10:05

Với hàng chục các khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX) cùng hàng trăm ngàn các công nhân đang lao động, nhưng thật lạ là hầu hết trong số trên vẫn chưa có trường mầm non. Về lâu dài, tình trạng người lao động tập trung đông ở các KCN nhưng các nhu cầu cơ bản cuộc sống khác không đáp ứng được sẽ dẫn tới các hệ lụy tiêu cực. 

Thiếu trường mầm non ở khu công nghiệp

Trường mầm non là nhu cầu bức thiết của nhiều gia đình
công nhân ở khu công nghiệp.

Thống kê cho thấy có khoảng 300.000 công nhân và 80.000 người đang có con dưới 6 tuổi ở khu vực TP HCM. Tuy nhiên, thực tế thì các trường mầm non trong KCN chỉ đáp ứng một tỷ lệ rất nhỏ trong số đó. Để có thể làm việc được, hầu hết công nhân đều chấp nhận gửi con ở các trường mầm non tư thục, các điểm giữ trẻ không phép… với nhiều nguy cơ và học phí cao.

Chị Hoàng Thị Bảy, 28 tuổi, một công nhân giày da ở KCN Vĩnh Lộc (Bình Chánh, TP HCM) cho biết. Do thời gian làm việc nhiều, lại thường xuyên phải tăng ca nên việc tìm trường cho cậu con trai 4 tuổi của gia đình chị là vô cùng chật vật. Hầu hết các trường tư thục đều có mức đóng rất cao. Ngoài tiền ăn, tiền học, tiền ngoại khóa, tiền máy lạnh… mỗi tháng chị còn phải đóng thêm tiền giữ con ngoài giờ. “Không tháng nào dưới 2 triệu, cộng thêm tiền sữa phải mang theo là mất quá nửa tháng lương của mình rồi. Nhưng đưa con về quê dưới Đồng Tháp cho ông bà nội nuôi thì nhớ con không đành”, chị than thở. Theo tìm hiểu, tình trạng của chị Bảy cũng giống hàng trăm gia đình nhỏ khác ở khu vực ngoại ô Bình Chánh này.

Ngoài ra, thực tế là hầu hết các trường mầm non công lập, với chi phí thấp ở khu vực thành phố đều đang trong tình trạng quá tải. Vì thế, với những công nhân ngoại tỉnh, thiếu hộ khẩu, thiếu các loại giấy tờ cần thiết để vào học là cực kỳ khó khăn. Theo một lãnh đạo thành phố, do các KCN được hình thành từ rất sớm, lúc thành phố chưa có các chế tài cần thiết để buộc nhà đầu tư phải xây dựng các công trình phục vụ người lao động. Vì vậy, hầu hết việc xây dựng đều do chủ đầu tư tự nguyện. Tuy nhiên, do diện tích đất ở các KCN có hạn, quỹ đất dùng trong việc trồng cây xanh, bảo vệ môi trường nhiều nên việc xây dựng nhà trẻ là rất khó khăn. Theo tìm hiểu, hiện nay thành phố đang có chính sách ưu đãi cho các KCN xây dựng trường mầm non cho con em công nhân. Tuy nhiên, cũng rất ít nơi thực hiện được việc này. Trong số đó, KCN Tân Tạo (Bình Tân) là nơi có trường mầm non cho con em công nhân. Sau một thời gian đi vào hoạt động, trường hiện thuộc sự quản lý của Phòng Giáo dục- Đào tạo nên các em nhỏ ở đây hoàn toàn có thể yên tâm sau khi bắt đầu vào tiểu học. Tương tự, vừa qua KCX Tân Thuận (Quận 7) cũng đưa vào hoạt động một trường mầm non có sức chứa hàng ngàn trẻ cho con em công nhân. Ngoài ra, dự án xây dựng các trường mầm non trong KCN ở Linh Trung 2 (Quận Thủ Đức), ở KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), ở KCN Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi) cũng đang được tiến hành với mong muốn phục vụ nhu cầu của người lao động ngày một tốt hơn.

Ngoài ra, nhiều người cũng cho rằng, nếu không xây dựng được thì các KCN nên liên kết với các nhà đầu tư khác, hoặc các trường mầm non lân cận để đáp ứng nhu cầu cho người lao động. Việc ổn định nơi ở (nhà lưu trú, nhà cho công nhân) cùng với nơi gửi con sẽ khiến cho người lao động toàn tâm, toàn ý phục vụ công việc sản xuất hơn là thả nổi, buộc người lao động phải “tự bơi” với nhu cầu của mình.

Đoàn Xá