Ngân hàng tăng vốn chống sốc

H.Hương 08/04/2016 10:10

Sẽ có những ngân hàng phải tiếp tục vượt khó, cũng có những ngân hàng tăng vốn mở rộng hoạt động. Mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm 2016 tiếp tục được chờ đón nhiều diễn biến nóng.

Thời điểm này, một số ngân hàng đã tiến hành xong đại hội đồng cổ đông chẳng hạn như ngân hàng TMCP Liên Việt (LienvietPostbank), ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPbank). Cùng đó, một số ngân hàng khác cũng đã lên lịch ĐHĐCĐ và thông báo rộng rãi tới các nhà đầu tư. Khác với các năm trước khi ngân hàng nóng chuyện mua bán – sáp nhập, thì năm nay, mùa đại hội cổ đông được dư luận chú ý với các chủ đề xử lý nợ xấu, tăng vốn điều lệ.

Theo kế hoạch, ngày 14/4 tới, ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng tiến hành đại hội cổ đông. Hiện nay, NH cũng đã gửi tài liệu cho các cổ đông để chuẩn bị công tác đại hội diễn ra. Một nội dung được đại hội cổ đông (ĐHCĐ) đề cập là vấn đề tăng vốn. NH báo cáo về phương án tăng vốn điều lệ theo nghị quyết chấp thuận OCB tăng vốn từ 3.547 tỷ đồng lên 4.500 tỷ đồng trong đó phát hành cổ phiếu thưởng 5% cho cổ đông hiện hữu là 172 tỷ đồng và phát hành riêng lẻ cho đối tượng chọn lọc bên ngoài và cổ đông hiện hữu 780 tỷ đồng.Trong năm 2016, NH này tiếp nguyện vọng tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chia sẻ: “Theo kế hoạch dự kiến, năm 2016, OCB đặt mục tiêu tăng tốc và phát triển quy mô với kế hoạch tổng tài sản tăng 31%, tổng dư nợ tín dụng tăng 44%, tổng huy động thị trường 1 tăng 46%, tổng lượng khách hàng tăng 43%...”, đại diện OCB thông tin.

Đại hội sau một ngày, vào ngày 15-4, cổ đông Ngân hàng TMCP Vietcombank cùng bàn tới phương án tăng vốn điều lệ năm 2016. Bà Lê Thị Hoa, thành viên HĐQT Vietcombank cho hay, ngân hàng hàng này đang chuẩn bị đợt phát hành riêng lẻ tỷ lệ 10%, thậm chí tỷ lệ này có thể nâng lên 20%. Việc huy động vốn trong năm 2016 của Vietcombank sẽ được thực hiện thông qua hai hình thức: Phát hành cổ phiếu sơ cấp tỷ lệ 10% cho các nhà đầu tư nước ngoài và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35%. Mizuho tiếp tục giữ cổ phần ít nhất 15% của ngân hàng.

Chặng đường tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gần như đã diễn ra khá thành công. Nhiều ngân hàng yếu, kém bị sáp nhập. Bước thành công của Ngân hàng Nhà nước trong đoạn đường đầu của tái cơ cấu là đã ổn định được hệ thống thanh khoản. Thế nhưng, nếu so với yêu cầu khu vực thì sức khỏe các tổ chức tín dụng vẫn chưa được như ý. Đồng thời để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng với các quy chuẩn của chuẩn ngân hàng Basel II, các nhà băng buộc tăng sức đề kháng cho mình. Trong đó vốn là yêu cầu không thể coi nhẹ. Điều này cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến các ngân hàng bàn chuyện tăng vốn trong mùa đại hội.

Với ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), ngày 24-4 tới cũng sẽ tiến hành đại hội đồng cổ đông. Đại hội sẽ thông qua báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 2015 và định hướng kết quả kinh doanh năm 2016. Sau khi chính thức tăng vốn nhờ thương vụ sáp nhập ngân hàng MHB hoàn thành trong năm 2015, hiện nay phương án tăng vốn tiếp theo chưa được hé lộ. Nhưng chính ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho hay, BIDV kỳ vọng sẽ bán được cổ phần cho đối tác chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2016 này.

Năm 2015, BIDV ghi nhận 7.944 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 6.382 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 26% và 28% so với năm trước đó.

Mục đích của việc tăng vốn để ngân hàng nâng cao quy mô và chất lượng tài sản sinh lời, tăng năng lực cạnh tranh. Giữa lúc nợ xấu vẫn đang ám ảnh nền kinh tế thì việc ngân hàng tự trang bị khả năng phòng thủ cho mình bằng cách mặc áo vốn dày hơn cũng là điều đương nhiên.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, các ngân hàng muốn mở rộng quy mô hoạt động,thì vốn cũng phải phát triển tương ứng. Việc tăng vốn là điều tốt và tất yếu nếu muốn đảm bảo hoạt động của mình.

Giới chuyên gia so sánh vốn điều lệ như một tấm đệm để bảo vệ ngân hàng. Tuy nhiên, cũng cần tránh tình trạng tăng vốn bằng mọi giá, tránh tăng vốn ảo.

H.Hương