Xét tuyển theo nhóm trường: Thêm nhiều cơ hội cho thí sinh
Ngày 7/4, tại Hà Nội diễn ra buổi họp báo công bố phương thức tuyển sinh theo nhóm trường do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì - nhóm trường GX. Tại đây, lãnh đạo các trường thực hiện Đề án tuyển sinh chung khẳng định: Khi tham gia tuyển sinh theo nhóm trường, cơ hội của thí sinh được mở rộng hơn. Các em có thể đăng ký vào nhiều trường khi có 4 nguyện vọng, đồng thời cũng tránh được tình trạng “trượt oan” do tỷ lệ ảo lớn.
Tăng khả năng trúng tuyển
Đến thời điểm hiện nay, nhóm GX có 10 thành viên, bao gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH Ngoại thương, ĐH Thủy lợi, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Mỏ - Địa chất, ĐH Công nghiệp Hà Nội, HV Ngân hàng, ĐH Công nghệ giao thông vận tải. Nhóm trường đang đề xuất Bộ GD&ĐT cho thành lập một Ban chỉ đạo vì bản thân ĐH Bách khoa không thể đứng ra thành lập Ban chỉ đạo này. Ngay sau khi có quyết định công nhận Ban chỉ đạo tuyển sinh theo nhóm trường, tất cả cán bộ kỹ thuật của các trường trong nhóm sẽ cùng bàn để giải quyết các khó khăn đã tiên lượng. |
Theo PGS Trần Văn Tớp- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa HN: Đề án tự chủ tuyển sinh theo nhóm trường GX là cơ sở để thực hiện một phương thức xét tuyển chung dựa trên kết quả thi THPTQG 2016. Việc thành lập trường theo nhóm hoàn toàn tự nguyện và không giới hạn số lượng, với điều kiện là các trường dùng chung phương thức tuyển sinh và tuân thủ đề án. Kể cả các trường ngoài công lập nếu chấp nhận và tự nguyện đều vào được nhóm.
Theo lãnh đạo các trường tham gia nhóm: Phương thức xét tuyển chung này là giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu tình trạng “trúng tuyển ảo” cho các trường tham gia. Bên cạnh đó cũng tạo thêm cơ hội lựa chọn, đồng thời không gây ra sự phức tạp và tốn kém cho thí sinh, không làm giảm quyền lợi của thí sinh ĐKXT. Và các trường khi tham gia vào nhóm vẫn đảm bảo được quyền tự chủ trong việc phân định và xác định chỉ tiêu dự kiến cho từng nhóm ngành, quy định các điều kiện được ĐKXT vào trường (nếu có), các tổ hợp môn xét tuyển đối với từng nhóm ngành và môn thi chính (hệ số 2); chênh lệch điểm chuẩn giữa các tổ hợp môn xét tuyển đối với từng nhóm ngành…
PGS Bùi Đức Triệu- Trưởng phòng Đào tạo ĐH Kinh tế Quốc dân lý giải: Thí sinh đăng ký vào nhóm GX sẽ có khả năng trúng tuyển cao hơn, vì hạn chế được số ảo. Bởi khi trúng tuyển ảo, điểm sẽ được nâng lên, ví dụ điểm thực là 19,5 nhưng có thể điểm chuẩn phải là 20. Nhiều học sinh trượt nguyện vọng 1 bắt buộc phải nhập học một trường khác.
Tương tự, PGS Trần Văn Nghĩa- Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, (Bộ GD&ĐT) cũng khẳng định, với nhóm gồm 10 trường khả năng tồn tại học sinh ảo còn nhưng chiếm số lượng ít. Nếu số trường tham gia nhóm lên tới 20 trường thì sẽ không còn ảo.
Lưu ý đối với các thí sinh
Về lưu ý cho các thí sinh khi tham gia xét tuyển nhóm trường, PGS Nguyễn Phong Điền- Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội bổ sung: Thí sinh tham gia xét tuyển nhóm được thêm một phương thức nộp hồ sơ, ngoài 2 cách theo quy định của quy chế (đăng ký trực tuyến hoặc gửi phiếu ĐKXT đến địa chỉ của trường nguyện vọng 1 qua đường bưu điện). Phương thức đó là nộp trực tiếp phiếu ĐKXT tại một trường bất kỳ thuộc nhóm.
Về ĐKXT, khi tham gia tuyển sinh theo nhóm, cách ĐKXT không hề phức tạp hơn khi ĐKXT vào một trường bên ngoài nhóm. Chỉ có điều, phiếu ĐKXT được thiết kế theo form riêng, có một chút thay đổi phù hợp với việc xét tuyển theo nhóm. Thí sinh phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới trong Phiếu ĐKXT. Có thể sử dụng số nguyện vọng tối đa được phép của từng đợt xét tuyển (4 nguyện vọng trong đợt 1 và 6 nguyện vọng trong các đợt xét tuyển bổ sung) để ĐKXT vào nhiều trường trong nhóm.
Ví dụ trong đợt 1, thí sinh có thể ĐKXT vào 4 trường khác nhau trong nhóm nếu mỗi trường đăng ký 1 nguyện vọng hoặc đăng ký vào 3 trường khác nhau trong nhóm nếu đăng ký 2 nguyện vọng vào 1 trường và 2 nguyện vọng còn lại đăng ký vào 2 trường. Mẫu phiếu thí sinh có thể tải từ website các trường trong nhóm. Thí sinh lưu ý không lấy mẫu ĐKXT khác để đăng ký vào các trường trong nhóm.
Gian lận, thí sinh sẽ bị thiệt
Trước câu hỏi: “Với trường hợp thí sinh gian lận, đăng ký hết nguyện vọng trong nhóm nhưng vẫn đăng ký ở trường ngoài thì phải xử lý ra sao?”, PGS Nguyễn Quang Kim- Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi xác nhận: Có thể có trường hợp thí sinh gian lận trong chuyện này, và nằm ngoài kiểm soát của nhóm. Đế xử lý vấn đề này cần có sự can thiệp của Bộ GD&ĐT, đưa ra chế tài đặc biệt trong chuyện không trung thực của thí sinh.
Về điều này, PGS Trần Văn Nghĩa nhận định, với trường hợp thí sinh “ăn gian” nộp vào 4 trường thì phần mềm xét tuyển chỉ tự động nhập 2 trường. Thí sinh bằng nhiều con đường như đăng ký trực tiếp, qua bưu điện, đăng ký online có thể sẽ nộp đơn vào nhiều trường hơn quy định, nhưng dữ liệu của thí sinh sẽ không nhập vào hệ thống được nếu quá so với quy định. Như vậy người thiệt sẽ là thí sinh khi hai trường đó là bất kỳ, các em có thể không học đúng chuyên ngành thực sự mong muốn. Bộ GD&ĐT hoàn toàn khống chế được điều này. Ông Nghĩa khuyến cáo, thí sinh không nên gian dối vì làm như vậy các em sẽ đánh mất cơ hội của mình.
Trường tốp dưới tham gia nhóm chưa chắc đã có lợi
Trả lời cho câu hỏi, nếu có trường hợp do phương thức tuyển sinh mới, thí sinh đăng ký ít hơn chỉ tiêu, các trường trong nhóm sẽ có phương án như thế nào, có lấy thêm thí sinh không đăng ký tuyển sinh theo nhóm để đảm bảo đủ chỉ tiêu không?- PGS Nguyễn Quang Kim chia sẻ: Nếu thí sinh đăng ký không đủ chỉ tiêu, tôi nghĩ rằng các trường phải lấy thêm nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 theo đúng quy chế, nhưng tình huống đó chắc sẽ khó xảy ra.
Tiếp tục với băn khoăn: Việc đưa ra điều kiện phải xét tuyển thí sinh tham dự kỳ thi THPT QG cho các trường muốn tham gia vào GX phải chăng muốn giới hạn trường tốp dưới, trường ngoài công lập?- PGS Nguyễn Quang Kim cũng trả lời: Đề án tuyển sinh theo nhóm ghi rõ không hạn chế số lượng các trường ĐH (những trường không tuyển sinh riêng theo đề án tự chủ tuyển sinh) cùng tham gia nhóm để nâng cao hiệu quả tránh “ảo” trong tuyển sinh. Thời hạn các trường đăng ký tham gia nhóm GX là trước ngày 22-4. “Tôi cho rằng, các trường tham gia vào nhóm cũng tính đến việc có lợi hay không. Nếu trường chỉ lấy điểm bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng của Bộ GD&ĐT, trường xét tuyển qua học bạ tham gia nhóm chưa chắc đã có lợi”.