Nhìn lại người Việt đầu thế kỷ 20
Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội vừa tổ chức buổi tọa đàm xung quanh tác phẩm hồi ký “Xứ Đông Dương”. Đây cuốn hồi ký trước đó đã từng “gây sốt” bởi độc giả đã dành 160 triệu đồng đặt mua từ khi còn là bản thảo.
“Xứ Đông Dương” là cuốn hồi ký của Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương giai đoạn từ năm 1897 đến năm 1902, và sau này trở thành tổng thống Pháp (từ năm 1931 cho đến khi bị ám sát vào ngày 7/5/1932).
Đánh giá về cuốn hồi ký, PGS. TS Dương Văn Quảng - nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, từng là Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cho rằng, cuốn sách được viết dưới con mắt của một Toàn quyền nhằm tự khẳng định rằng mình đã hoàn thành trọng trách lớn lao ở Đông Dương tốt hơn bất kỳ ai khác với niềm tự hào phụng sự nước Pháp. Hơn thế nữa con người này có một quyết tâm sắt đá là phải thành công trong việc biến xứ sở này thành tiền đồn của Pháp tại Viễn Đông.
Theo nhà văn Nguyễn Trương Quý, mới đầu khi đọc tác phẩm nhiều bạn đọc cảm thấy hơi e ngại vì nghĩ rằng cuốn sách mang hơi hướng chính trị. Ở đó, người đọc có cảm giác, không có ranh giới giữa văn nghị luận chính trị với chất văn chương. Tác giả lại từng là toàn quyền Đông Dương, nên có nhiều dữ liệu và tính xác tín cao. Thế nhưng, càng đọc, bạn đọc càng đắm chìm vào không gian rất rõ ràng trong cuốn sách. Paul Doumer là một người có cảm hứng của một nhà kiến thiết khi ông nhìn ra viễn cảnh rất táo bạo ở thời cuộc mà người ta có những hoài bão lớn. Với nhiệm kỳ 5 năm mà làm bao nhiêu việc thì hiếm người nào làm được như thế. Lúc ông Paul Doumer đến xứ này thì Hà Nội rất sơ khai và khu phố Tây chẳng có gì đáng kể. Bắt đầu từ những bề bộn, những con phố dọc ngang lộn xộn, những khu đầm lầy mênh mông của Hà Nội, Paul Doumer xây dựng nên một thành phố là trạm dừng chân đẹp, để người Pháp có thể thực hiện tham vọng tiến xa hơn sang miền Nam Trung Hoa. Ở đó, Paul Doumer không chỉ là một nhà cai trị, ông còn là một học giả, một chính trị gia đầy tham vọng muốn biến Đông Dương trở thành một nước Pháp ở Viễn Đông.
“Xứ Đông Dương” cho chúng ta một góc nhìn từ phía khác để có thêm hiểu biết chúng ta là ai. Nói như nhà văn - dịch giả Nguyễn Xuân Khánh, hồi ký “Xứ Đông Dương” còn quý hơn cả một cuốn sách tham khảo thông thường. Vì nó là một cuốn sách có thể nói là hiếm hoi của người Pháp viết về thời kỳ xây dựng thuộc địa, thời kỳ kinh tế thuộc địa…