Sầm Sơn - Thanh Hóa: Lại chuyện bến thuyền
Mới đây, hàng trăm ngư dân thôn Tiến Lợi đã kéo nhau ra bãi bồi ven sông Mã, giáp ranh giữa bến đậu thuyền của thôn và cơ sở đóng tàu thuyền của Công ty TNHH Hợp Thanh (gọi tắt là Cty Hợp Thanh) ngăn cản việc máy cẩu của Cty này múc đất thi công triền đà sửa chữa, đóng mới tàu thuyền…
Bến thuyền thôn Tiến Lợi và xưởng đóng tàu thuyền của doanh nghiệp Hợp Thanh.
Ngư dân cho rằng: Đây là khu đất bãi bồi lòng sông Mã, chưa rõ ràng thuộc phường Quảng Tiến hay xã Quảng Cư, nếu Cty thực hiện dự án sẽ làm mất đường lên xuống bến thuyền, đồng nghĩa với hàng chục con tàu không có chỗ neo đậu, hàng trăm ngư dân nguy cơ bỏ nghề… Họ phải ra giữ bến thuyền, quyết không cho Cty múc cát xây dựng triền đà.
Ngược lại, phía Cty Hợp Thanh cho rằng: Cty đã mất rất nhiều thời gian, công sức để thực hiện Dự án và đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cho thuê đất, có sổ đỏ; đất đai hoàn toàn thuộc phường Quảng Tiến nên Cty có toàn quyền xây dựng, dự án nếu dừng lại sẽ quá thời hạn, đất sẽ bị thu hồi, Cty sẽ bị thiệt hại, phá sản, cũng ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hàng trăm lao động.
Theo phản ánh cho thấy cuộc tranh chấp khá căng thẳng với những lời nói khá nóng nảy, nặng nề. Chỉ đến khi việc múc cát được dừng lại, biên bản làm việc có chữ ký của đại diện Công an thị xã Sầm Sơn, một số cơ quan chức năng của thị và các bên liên quan thì cuộc tranh cãi mới tạm lắng xuống.
Theo Biên bản kiểm tra hiện trạng, Cty Hợp Thanh đang dùng máy múc, xà lan múc cát, đã múc khoảng 20 m3 cát. Kiểm tra hồ sơ, Cty Hợp Thanh trình ra Quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 13/10/2015 cho Cty thuê đất, diện tích hơn 5.100 m2 để sử dụng vào mục đích mở rộng triền đà đóng mới, sửa chữa, cải hoán tàu thuyền nghề cá tại phường Quảng Tiến (ngoài diện tích hiện có là gần 5.000 m2).
Trong đó có ý kiến của ông Lường Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Cư về vị trí Cty Hợp Thanh đang thi công là “chưa rõ ràng” giữa 2 địa phương, đặc biệt là giáp đê sông Mã và đề nghị xác minh việc thi công của Cty có đúng pháp luật và đã được cơ quan nào cho phép? Biên bản kết luận: Yêu cầu công ty tạm dừng việc múc cát, UBND xã Quảng Cư phải bảo đảm trật tự an ninh khu vực tranh chấp; 2 đơn vị trên có báo cáo sự việc về UBND thị xã Sầm Sơn, chậm nhất đến ngày 1/4/2016.
Xung quanh vụ việc, Giám đốc Cty Hợp Thanh Trần Trí Tám cũng đã cho chúng tôi xem các văn bản, hồ sơ liên quan đến Dự án, trong đó có Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số CD 012053, cấp cho Cty TNHH Hợp Thanh, địa chỉ trụ sở chính: nhà ông Trần Trí Tám (Giám đốc Cty), khu phố Ninh Thành, phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Giấy chứng nhận này do ông Hoàng Văn Thể, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ký ngày 5/1/2016 (ký thay Giám đốc Sở, do UBND tỉnh ủy quyền). Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cho Cty thuê đất trả tiền hàng năm, tại thửa đất số 19, tờ bản đồ số 03 đo vẽ năm 2010, thuộc phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn; diện tích khu đất: 5.143,9 m2; thời gian cho thuê đến tháng 8/2061 (45 năm); sử dụng vào mục đích mở rộng triền đà đóng mới, sửa chữa cải hoán tàu thuyền nghề cá.
Xem xét trong Giấy chứng nhận và đối chiếu với thực địa cho thấy: Trên đất không có cây cối, nhà ở, công trình xây dựng khác, mà hoàn toàn là đất trống. Tuy nhiên, tại vị trí mốc M5 của khu đất lại tiếp giáp với con ngòi là đường thoát nước tiêu úng qua đê sông Mã của một số khu dân cư thị xã Sầm Sơn.
Đây đồng thời là nơi neo đậu từ trước của hàng chục tàu thuyền đánh bắt thủy sản của ngư dân thôn Tiến Lợi. Theo quan sát tại chỗ, nếu doanh nghiệp lấy đất xây dựng triền đà theo mốc M5 sẽ chồng lấn khu vực lên xuống bến thuyền, tập kết chuyển tải ngư cụ, sản phẩm đánh bắt… Do đó ngư dân ra phản đối gay gắt là điều không tránh khỏi.
Vấn đề giải quyết sao cho đúng với thực tế và pháp luật, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên đang đặt ra một bài toán khó. Vì phía doanh nghiệp đã có sổ đỏ hợp pháp, dự án của họ được các cơ quan chức năng của tỉnh thẩm định kỹ càng, được UBND tỉnh phê duyệt. Ngược lại, bến thuyền thôn Tiến Lợi đã có từ trước, nhu cầu neo đậu của ngư dân là một thực tế. Chính quyền cùng đôi bên cần xem xét hài hòa, hợp lý để đảm bảo quyền lợi các bên.