Trước nẻo vào đời

Cẩm Thuý 09/04/2016 09:30

Bà Tôn Nữ Thị Ninh trong lần trò chuyện với chúng tôi có nói rằng bà không khuyên sinh viên bỏ học, thế giới có nhiều Bill Gates đâu mà bỏ học, nhưng nếu có thể trở thành Bill Gates thì khi cần bỏ học vẫn phải bỏ học. Đó là một cách nói để diễn đạt một vấn đề: Đại học không phải là con đường duy nhất để thành công trong cuộc đời. 

Thông tin 40% học sinh Nghệ An – địa phương vốn có truyền thống khoa bảng – không đăng ký vào các trường đại học trong mùa tuyển sinh 2016 này là tín hiệu mừng cho thấy đang có những suy nghĩ đúng đắn hơn cho những nẻo vào đời, chứ không chỉ nhất nhất chỉ có con đường vào đại học.

Vào đại học không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp của tuổi trẻ.

Trước hết phải thấy khát vọng học lên cao mà cụ thể ở Việt Nam là học đại học không có gì là xấu. Ước muốn cho con học đại học là ước muốn chính đáng của nhiều bậc làm cha, làm mẹ. Ước mơ tốt nghiệp đại học để có một cuộc sống tốt hơn cũng là ước muốn cao đẹp của những người trẻ tuổi.

Nhiều nước trên thế giới đã phổ cập đến bậc đại học, Nhà nước miễn học phí ở cả bậc đại học thì có lẽ vấn đề đa số học sinh có đăng ký học đại học hay không cũng chẳng còn gì đáng để bàn. Kể cả người già đi học hay một cô gái trẻ học đại học xong chỉ để ở nhà làm nội trợ và chăm con cũng chẳng sao. Rõ ràng một bà mẹ ghi danh học đại học phù hợp để có kiến thức chăm sóc dạy dỗ con cái vẫn tốt hơn nhiều một người không học gì cả.

Ở đây, sở dĩ chúng ta vẫn còn phải đặt vấn đề không nên chen chúc, đổ xô đi học đại học là bởi sự phát triển của chúng ta trong giai đoạn hiện nay chưa phù hợp với việc tất cả cùng đi học đại học. Đó là quãng thời gian lãng phí tiền bạc và công sức khi đào tạo không đáp ứng đòi hỏi về nguồn nhân lực.

Trong khi nhu cầu lao động đang cần những nhân lực chỉ cần được đào tạo nghề nhanh hơn, ít tốn kém hơn, phù hợp với khả năng và trình độ của nhiều người và phù hợp hơn với khả năng tài chính của nhiều gia đình Việt Nam, nhất là ở khu vực nông thôn và miền núi hiện nay.

Như vậy, việc đẩy mạnh phân luồng ngay từ bậc THPT là một xu hướng phù hợp với giai đoạn hiện nay và cũng là cách nhiều nước đang làm. Về mặt lý thuyết chúng ta sẽ nói với những người trẻ tuổi rằng vào đại học không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp của tuổi trẻ.

Ngoài Bill Gates ở tầm thế giới mà cả thế giới cũng chỉ có một Bill Gates vẫn được dẫn chứng như một trường hợp điển hình trong nhiều bài văn nghị luận về chủ đề này, những người dạy dỗ các bạn trẻ còn nhắc đến các nhà văn như Nam Cao, Tô Hoài,... đều chưa qua giảng đuờng đại học mà vẫn trở thành nhà văn nổi tiếng.

Nhưng nếu không giúp các bạn trẻ hiểu thấu đáo câu chuyện học đại học hay không học đại học, chúng ta sẽ rẽ sang một cực đoan sai lầm khác còn tệ hơn nhiều so với việc học sinh chen nhau vào trường đại học. Không nhất thiết phải học đại học nhưng sẽ lại cũng là sai lầm nếu nghĩ rằng không học vẫn có thể thành công.

Học và học đại học là 2 việc khác nhau. Học tập suốt đời không phải chỉ là một khẩu hiệu. Người ta vẫn kể chuyện vào năm 20 tuổi, Bill Gates đã bỏ giở việc học, từ giã giảng đường Đại học Harvard, bắt tay vào việc viết những dòng mã lệnh cho hệ điều hành đầu tiên trên máy tính và dù không học hết đại học, Bill Gates vẫn trở thành người đồng sáng lập, Chủ tịch tập đoàn và Kiến trúc sư trưởng của Tập đoàn Microsoft nổi tiếng, đồng thời là một trong những người giàu nhất thế giới.

Nhưng sẽ khiến các bạn trẻ hiểu sai nếu người ta lại không kể hết, bỏ dở đại học nhưng trí tuệ của Bill Gates thế nào, kiến thức của ông thế nào. Một người không học tí nào không thể nói và làm hay như ông ấy. Bill Gates không học hết đại học, nhưng học bằng những cách khác nhau. Hay Tô Hoài và Nam Cao không học đại học, nhưng sách vở mà họ đã đọc và kiến thức nhân loại của các nhà văn này thì vượt xa tầm đại học.

Cho nên 40% hay hơn nữa tỉ lệ học sinh không đăng kí vào các trường đại học chỉ đáng mừng khi họ thay vì học đại học sẽ tiếp cận với cuộc đời bằng những phương pháp học khác nhau. Còn nếu không sẽ là một sự kéo lùi trình độ dân trí nếu đa số học sinh học xong THPT rồi đi làm thuê và suốt đời không bao giờ tiếp cận với kiến thức nữa trong khi báo cáo thành tích chúng ta hoan hỉ với việc đã phân luồng cơ bản ở bậc THPT…

Trong các vấn đề về phân luồng đào tạo, có lỗi từ việc sử dụng lao động. Trong khi chúng ta luôn nói về mặt lý thuyết là không nhất thiết phải học đại học thì trong tất cả các tiêu chuẩn tuyển dụng người ta đều coi đó như một tiêu chí bắt buộc. Nếu đến lúc nào đó, chúng ta tuyển dụng theo khả năng và trình độ thực sự của mọi người, ắt tự nhiên là không còn ai coi tấm bằng như một cái cần câu cơm nữa.

Thông tin 40% học sinh Nghệ An không đăng ký xét tuyển đại học năm 2016 này đem lại những cảm xúc mông lung. Không biết trong số ấy có bao nhiêu em theo học các trường nghề?

Cẩm Thuý