Vì sao Trung Quốc ngoảnh mặt với Triều Tiên
Sức ép từ cộng đồng quốc tế và những câu hỏi lớn từ dư luận trong nước buộc Trung Quốc phải thay đổi chính sách chiến lược đối với Triều Tiên.
Bức tượng kỷ niệm quan hệ Trung - Triều bên sông biên giới ở Đan Đông, Trung Quốc. Ảnh: UPI. |
Gần đây, Trung Quốc và Triều Tiên liên tục khẩu chiến với nhau thông qua truyền thông nhà nước, trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng tức giận với quyết tâm theo đuổi vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, và ủng hộ các biện pháp trừng phạt quốc tế chống lại quốc gia đồng minh này, theo UPI.
Tờ People’s Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng bài xã luận cho rằng trong trường hợp bất ổn nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, do "vấn đề hạt nhân", mối đe dọa an ninh "lớn hơn cuộc khủng hoảng Syria" có thể xảy ra.
Chiến lược vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng rốt cuộc có thể đẩy chính quyền nước này vào nguy hiểm, và Triều Tiên cần phải suy nghĩ lại về chính sách hạt nhân của mình, tờ báo này viết.
Đáp lại, hôm 1/4, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đã chỉ trích một quốc gia không nêu đích danh vì "quỵ lụy" trước Mỹ do phải đối mặt với "sức ép siêu cường". Dù không nêu tên Trung Quốc, Bình Nhưỡng cho rằng đất nước này đang từ bỏ một tình bạn vô giá, một "mối quan hệ gắn kết máu thịt".
Tờ Global Times của Trung Quốc lập tức đăng bài viết phản bác những lời chỉ trích này của Triều Tiên. Trang này cho rằng việc kết luận quan hệ hai nước đã thay đổi là "phóng đại", đồng thời khẳng định các lệnh cấm vận mới đối với Triều Tiên không mâu thuẫn với tình hữu nghị giữa hai nước.
Tờ báo này cho rằng Trung Quốc sẽ gặp thách thức ngày càng lớn hơn trong việc kiểm soát khu vực Đông Bắc Á nếu Triều Tiên không chú ý tới những lời cảnh báo về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
People’s Daily còn đi xa hơn, khi nhấn mạnh rằng Triều Tiên không hề có ý định hay khả năng gây chiến, và tuyên bố rằng những động thái gần đây của Bình Nhưỡng là chỉ đơn thuần để kích động tâm lý chống Mỹ.
Cuộc khẩu chiến diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong một hội nghị diễn ra ở Washington hồi tuần trước.
Trung Quốc sau đó ra lệnh cấm nhập khẩu phần lớn than đá và quặng sắt, hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Triều Tiên, trong một nỗ lực gia tăng sức ép lên Bình Nhưỡng theo lệnh cấm vận mà Liên Hợp Quốc đã áp đặt sau khi nước này thử hạt nhân lần thứ 4 và phóng tên lửa mang vệ tinh.
Lệnh cấm vận này đã được Trung Quốc thông qua hồi tháng trước, trong đó yêu cầu kiểm tra bắt buộc toàn bộ hàng hóa đến và đi từ Triều Tiên, một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng tỏ ra mất kiên nhẫn và tức giận với đồng minh Bình Nhưỡng.
Ngoảnh mặt
Theo bình luận viên Chen Qin của tờ Gulf News, Trung Quốc từ lâu đã luôn thể hiện "sự phản đối mạnh mẽ" đối với chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên. Thế nhưng trong lúc các cuộc đàm phán 6 bên vẫn đang bế tắc, Bình Nhưỡng vẫn âm thầm phát triển công nghệ hạt nhân của mình, và khiến cả thế giới sửng sốt với tuyên bố về vụ thử bom nhiệt hạch gần đây. Những động thái đó của Triều Tiên đã gần như triệt hạ hết các con đường ngoại giao để giải quyết khủng hoảng của Trung Quốc.
Lính biên phòng Triều Tiên tại khu vực biên giới với Trung Quốc. Ảnh: IBTimes. |
Hậu quả là Trung Quốc trong thời gian gần đây đã phải có những điều chỉnh chiến lược đối với đồng minh của mình. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chủ động phối hợp với Mỹ để thông qua nghị quyết mới của Liên Hợp Quốc về lệnh cấm vận khắc nghiệt hơn đối với Triều Tiên.
Hành động này thể hiện sự thay đổi đột ngột của Bắc Kinh trong cách hành xử với Bình Nhưỡng, bởi nhiều năm qua, Trung Quốc đã luôn bất đồng với Mỹ và Liên Hợp Quốc về cách thức trừng phạt Triều Tiên. Sự "ngoảnh mặt" đó cũng cho thấy Bắc Kinh và Washington đã tìm thấy lợi ích chung trong vấn đề quan trọng với cả hai.
Ngoại trưởng Vương Nghị đã nêu rõ chính sách ba điểm của Trung Quốc đối với bán đảo Triều Tiên: Đầu tiên là phi hạt nhân hóa bán đảo, thứ hai là không sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề, và thứ ba là các lợi ích an ninh quốc gia hợp pháp của Trung Quốc phải được bảo vệ và duy trì.
Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Mỹ hôm 25/2, ông Vương nói rằng lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc sẽ ảnh hưởng đến quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên, nhưng đây là điều cần thiết để phi hạt nhân hóa bán đảo. Tuyên bố của ông Vương được cho là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Triều Tiên: Mục tiêu phi hạt nhân hóa không thể bị thách thức, theo Chen Qin.
Cũng theo bình luận viên này, lý do thứ hai khiến Bắc Kinh phải cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng là các hành động của Triều Tiên đã gây xôn xao quá nhiều trong dư luận Trung Quốc, đặc biệt là cộng đồng mạng. Những dư chấn từ vụ thử hạt nhân khiến sân trường ở Trung Quốc bị nứt toác, hay nguy cơ ô nhiễm hạt nhân từ vụ thử nghiệm đối với vùng biên giới Trung – Triều, tất cả đều làm dấy lên những câu hỏi trong dư luận về mối quan hệ hai nước.
Quan hệ Trung – Triều bắt đầu có những thay đổi lớn vào năm 1992, khi Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc và bình thường hóa quan hệ với nhiều nước không cùng ý thức hệ và hệ thống chính trị, khiến họ dần xa rời đồng minh lịch sử Triều Tiên.
Trong hai thập kỷ qua, mỗi lần Triều Tiên thử hạt nhân hay phóng tên lửa đạn đạo, quan hệ hai nước lại xấu đi một chút. Trong thời cố chủ tịch Kim Jong-il cầm quyền, sự xuống cấp quan hệ này chưa gây nhiều ảnh hưởng, bởi lãnh đạo hai nước vẫn thường xuyên tới thăm viếng nhau. Nhưng kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, các cuộc công du cấp cao giữa hai nước thưa dần, và ông Kim chưa một lần đặt chân đến Bắc Kinh.
Ông Kim Jong-un thị sát một cuộc tập trận của quân đội Triều Tiên. Ảnh: Reuters. |
Khoảng cách ngày càng lớn về phát triển kinh tế - xã hội cũng khiến quan hệ hai nước càng trở nên nguội lạnh. Trong khi Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, Triều Tiên vẫn giẫm chân tại chỗ và trung thành với chính sách "tiên quân", tập trung đầu tư phát triển quân đội.
Thế hệ trẻ ở Trung Quốc cũng không còn cảm thấy gắn bó với Triều Tiên như lớp cha ông từng chiến đấu ở quốc gia này, thậm chí nhiều thanh niên Trung Quốc còn thường xuyên đưa thông tin về Triều Tiên ra để bình phẩm, chế nhạo, theo Chen Qin.
Vì những lý do đó, quan hệ Trung – Triều đang chạm tới ngưỡng cả hai nước phải có những thay đổi để thích ứng với hệ thống quốc tế và dư luận trong nước. Sự ủng hộ của Trung Quốc đối với lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc chỉ là sự khởi đầu, Bắc Kinh phải làm nhiều hơn nữa để cho Bình Nhưỡng thấy rõ quyết tâm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên của họ. "Dù sao, nạn nhân đầu tiên của tình trạng bất ổn ở Triều Tiên chính là Trung Quốc", ông Chen nhấn mạnh.