Phải có khát vọng đưa đất nước cất cánh

Theo daibieunhandan.vn 09/04/2016 17:02

Hôm qua, QH đã bầu Thủ tướng Chính phủ, mở đầu cho việc phê chuẩn, kiện toàn bộ máy Chính phủ mới. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha khẳng định, nhân dân đặt rất nhiều kỳ vọng đối với Thủ tướng và Chính phủ, trong đó, kỳ vọng lớn nhất là người đứng đầu Chính phủ và mỗi thành viên Chính phủ phải có khát vọng đưa đất nước cất cánh. Có khát vọng ấy thì mọi mục tiêu như tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng... đều sẽ chuyển biến.

Phải có khát vọng đưa đất nước cất cánh

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa chúc mừng
tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Hoàng Long/ Đại Đoàn Kết).

Chuyển từ quản lý sang phục vụ nhân dân

PV: Qua tổng hợp ý kiến của các tầng lớp nhân dân, ông thấy, nhân dân đang kỳ vọng như thế nào đối với Thủ tướng và Chính phủ mới?

Ông Nguyễn Văn Pha: Nhân dân đánh giá trong nhiệm kỳ 5 năm qua, Chính phủ đã làm được rất nhiều việc. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, trong nước cũng có nhiều yếu tố phức tạp, đặc biệt là chủ quyền biển đảo bị đe dọa, thiên tai, hạn hán, dịch bệnh xảy ra rất nhiều nhưng Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, bằng chứng là năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta đã đạt mức cao nhất trong nhiệm kỳ này. Tuy nhiên, nếu đi sâu tìm hiểu đời sống các tầng lớp nhân dân thì thấy sự phát triển của chúng ta không đồng đều giữa các vùng, miền, các địa phương trong cả nước; sự phân hóa giàu nghèo ngày càng doãng rộng ra, đặc biệt là ở một số nơi dân còn bị đói, nhất là vào những lúc giáp hạt. Chúng ta tự hào là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới mà dân vẫn đói. Hay “quốc nạn” tham nhũng còn nhiều nhưng một số báo cáo gần đây thì thấy ít thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng, thậm chí có người còn nói vui là tham nhũng ổn định... Hay cải cách hành chính, chuyển mạnh từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ, chúng ta cũng đã đặt ra mục tiêu này lâu rồi nhưng chuyển biến trên thực tế còn chậm. Có thể nói, qua tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước thì còn khá nhiều việc mà bộ máy nhà nước của chúng ta chưa làm được, chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân.

Chính vì vậy, nhân dân đặc biệt quan tâm đến Kỳ họp này khi lần đầu tiên, QH tiến hành kiện toàn các chức danh chủ chốt của bộ máy lãnh đạo cấp cao của Nhà nước tại kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ. Theo tổng hợp của chúng tôi thì điều mà nhân dân mong mỏi nhất là: QH phải bầu, phê chuẩn một tập thể Chính phủ thanh sạch, mạnh mẽ và đoàn kết, đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ và mỗi thành viên Chính phủ phải có khát vọng đưa đất nước cất cánh.

Phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội cuối cùng của QH nhiệm kỳ này, nhiều đại biểu cho rằng, bộ máy của chúng ta quá cồng kềnh, hằng năm ngốn hàng triệu tỷ đồng mà chuyện hành dân, nhũng nhiễu dân... vẫn còn khá phổ biến. Vậy theo ông, Chính phủ mới nên xử lý vấn đề này như thế nào? Có nên quyết tâm chịu đau một lần để cắt bỏ 1 bộ phận “sáng cắp ô đi, tối cắp về”?

- Tôi nghĩ cần phải đặt ra vấn đề đó một cách nghiêm túc để quyết tâm thực hiện cho được chủ trương chuyển mạnh Chính phủ, bộ máy công quyền từ quản lý sang phục vụ nhân dân. Đây là yêu cầu cấp thiết, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang bắt đầu và tới đây sẽ còn phải thực hiện một loạt các hiệp định thương mại thế hệ mới với các đối tác lớn trên thế giới. Làm cho bộ máy gọn nhẹ hơn, năng động hơn, hiệu quả hơn sẽ làm tăng năng lực cạnh tranh của đất nước trong hội nhập.

Tuy nhiên, ở đây, theo tôi, còn có trách nhiệm của QH nữa chứ không chỉ riêng Chính phủ. Vừa qua, khi hoàn thiện các luật về tổ chức bộ máy nhà nước hoặc một số luật chuyên ngành, chúng ta vẫn có cơ chế để tăng biên chế, tăng bộ máy. Luật cho thì Chính phủ, các cơ quan chức năng sẽ làm. Cái khó của QH là, các bộ, ngành, địa phương rất hay đề xuất tăng thêm chỗ nọ, tăng thêm chỗ kia, cứ bảo là bộ máy hiện tại làm không xuể nên QH lại đành phải đồng ý. Nhưng có bộ máy, có người làm rồi thì tình hình vẫn không thấy chuyển biến như mong muốn. Vì thế, muốn tinh giản bộ máy, theo tôi, phải bắt đầu từ QH. Với những luật mà chúng ta đã nhìn thấy là từ đó sẽ làm tăng biên chế không cần thiết thì nên sẵn sàng sửa, kể cả luật mới ban hành. Trong xây dựng pháp luật tới đây, QH cần kiên quyết nói “không” với những đề xuất tăng biên chế, tăng bộ máy không xác đáng. Thực tế, không phải cái gì bộ máy nhà nước cũng làm được.

Tư lệnh ngành không thể “thủ thế”

Cá nhân ông kỳ vọng như thế nào đối với bộ máy nhà nước mới?

- Trọng trách của bộ máy nhà nước mới rất nặng nề. Những việc chưa làm được mà các ĐBQH đã chỉ rõ khi đánh giá tổng kết nhiệm kỳ của từng thiết chế trong bộ máy nhà nước cần phải được khắc phục sớm.

Đặc biệt, trước thềm Đại hội XII của Đảng, nhân dân rất kỳ vọng sẽ tạo nền tảng để đất nước bước vào công cuộc đổi mới lần thứ hai. Quan điểm, mục tiêu phát triển đã được Đại hội Đảng vạch rõ. Nhiệm vụ của QH là thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu đó và nhiệm vụ của Chính phủ là phải hiện thực hóa các mục tiêu đó.

Kỳ vọng của cá nhân tôi cũng giống với kỳ vọng chung của nhân dân cả nước: người đứng đầu Chính phủ và mỗi thành viên Chính phủ phải có khát vọng đưa đất nước cất cánh. Vì có khát vọng ấy thì những hạn chế, những việc chưa làm được vừa qua, từ tái cơ cấu nền kinh tế, phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính... đều sẽ chuyển động.

Việc kiện toàn sớm tổ chức bộ máy nhà nước so với các nhiệm kỳ trước cũng đã cho thấy tinh thần đổi mới của Đảng, Nhà nước trong việc nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thưa ông?

- Sau khi được QH bầu, phê chuẩn, tôi tin rằng, Thủ tướng, các thành viên Chính phủ sẽ nhập cuộc ngay. Đặc biệt, vừa qua, một số bộ trưởng, tư lệnh ngành, lĩnh vực, tôi theo dõi thấy khi phát biểu tại Chính phủ hay QH thì vẫn theo kiểu thủ thế. Tôi cũng hy vọng, các tư lệnh ngành mới không ai có phong cách ấy, phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì mới có thể tạo chuyển biến cho đất nước được.

Xin cảm ơn ông!

Thay vì tăng biên chế, tăng bộ máy, cần có cơ chế thông thoáng hơn nữa để huy động các nguồn lực xã hội, nhất là cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo chung tay cùng Nhà nước giải quyết các vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, cần có cơ chế kết hợp sự giám sát của nhân dân thông qua sự giám sát của MTTQ với giám sát quyền lực của QH, HĐND và sự thanh tra, kiểm tra của Nhà nước. Phải làm cho người dân trở thành tai mắt của chính quyền, MTTQ và các thành viên của MTTQ là tai mắt cung cấp cho chính quyền, cơ quan chức năng những thông tin về việc thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở, những vi phạm của cán bộ, những điểm nóng, bức xúc trong đời sống dân sinh.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt NamNguyễn Văn pha

Theo daibieunhandan.vn