Xâm phạm hành lang đường ống dẫn khí: Chính quyền ‘đổ’ nhà thầu
Liên quan đến việc thời gian qua một số hộ dân xây dựng công trình phụ trợ xâm phạm hành lang bảo vệ đường ống dẫn khí qua địa bàn xã Đông Minh (Tiền Hải)-sự việc đang khiến cả 3 cấp chính quyền tỉnh Thái Bình phải “vào cuộc”, đại diện chính quyền xã cho rằng nguyên nhân do ban đầu nhà thầu xây dựng đường ống đã “khuyến cáo” người dân được làm việc này…
Đến chiều 8/4, hầu hết các hộ đã dỡ bỏ công trình xây dựng vi phạm.
Chưa xử lý xong việc vi phạm
Chiều 8/4, có mặt tại địa bàn xã Đông Minh, tìm hiểu, PV Đại Đoàn Kết được biết đường ống dẫn khí cao áp từ biển về Khu công nghiệp Tiền Hải dài khoảng 24 km, đi qua địa phận 3 xã Đông Cơ, Đông Minh và Nam Thịnh (huyện Tiền Hải), bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 8/2015.
Theo quan sát của PV, tuyến đường ống chủ yếu đi qua địa bàn bãi bồi, ruộng đồng. Riêng đoạn qua địa bàn xã Đông Minh, đường ống đi qua địa bàn khu dân cư, cụ thể là qua địa bàn xóm 5, thôn Minh Châu. Dọc theo đoạn đường dong dài mấy trăm mét của xóm-nơi có đường ống dẫn khí cao áp chạy song song, PV quan sát thấy có nhiều cụm biển báo cảnh báo sự nguy hiểm của đường ống này.
Trong đó, nêu rõ 10 điều quy định về an ninh, an toàn trên hành lang đường ống (không tiếp địa thiết bị điện, không đào bới lấy đất cát, không trồng cây lâu năm, không tạo nguồn sinh lửa, không để vật liệudễ cháy nổ, không tụ tập đông người, không lưu thông xe tải nặng quá 5 tấn, không xây cất nhà cửa, kho chứa…).
Riêng nhà của bà Định Thị Xuyến, lấn 80cm ra hành lang,
chính quyền xã vẫn còn lúng túng trong tìm cách xử lý.
Trò chuyện với PV, bà Thúy (hộ ông Hoàng Quốc Tuấn), một trong những hộ dân của xóm nằm sát dường dong ngõ, nơi có đường ống chạy qua cho biết, trước tết Bính Thân vừa qua, gia đình bà có xây dựng hệ thống tường bao sân.
Theo quan sát của chúng tôi tại hiện trường, phần tường bao này lấn qua mốc chỉ giới 3,5m hành lang an toàn bảo vệ đường ống. Ông Vũ Đức Thiện, Chủ tịch UBND xã Đông Minh xác nhận, chiếu theo các quy định bảo vệ hành lang đường ống, có tổng cộng 8 hộ có các hành vi vi phạm tượng tự như hộ gia đình ông Tuấn-bà Thúy; chủ yếu là xây tường bao, cổng dậu, đổ sân bê tông, trồng cây lâu năm trong hành lang…
Theo ông Thiện, trước những vi phạm này, thời gian qua, chủ đầu tư dự án đã kiến nghị chính quyền tỉnh Thái Bình chỉ đạo có biện pháp xử lý. Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, của UBND huyện Tiền Hải, thời gian qua chính quyền xã Đông Minh đã tiến hành chỉ đạo việc tháo dỡ các công trình xây dựng xâm hại hành lang bảo vệ đường ống.
Chiều 8/4, có mặt tại đây, PV ghi nhận hầu hết trong số 8 hộ trên đã đập bỏ các công trình tường bao, cổng nhà xây dựng không đúng quy định, trong đó một số hộ mới chỉ kịp đập bỏ, chưa kịp trả lại mặt bằng sạch.
Ông Vũ Đức Thiện, Chủ tịch UBND xã Đông Minh:
“Nguyên nhân một phần doban đầu nhà thầu xây dựng
đường ống đã tuyên truyền với người dân là được làm những việc này”.
Tuy nhiên, theo quan sát của PV, tại đây vẫn còn trường hợp vi phạm của hộ bà Đinh Thị Xuyến chưa được xử lý. Cụ thể, ngôi nhà bà Xuyến đang ở là nhà mái bằng, một tầng. Một cán bộ của dự án có mặt tại đây xác nhân với PV, mặt nhà của bà Xuyến “ngoạm” sâu vào hành lang bảo vệ đường ống 80 cm.
Liên quan đến trường hợp này, Chủ tịch UBND xã Đông Minh Vũ Đức Thiện cho biết: ngôi nhà bà Xuyến đã được xây dựng trước khi có dự án. Tuy nhiên, do hoàn cảnh bà Thúy khó khăn (một mình nuôi con nhỏ, 2 mẹ con thường xuyên ốm đau) nên khi giải phóng mặt bằng dự án đã có sự nhân nhượng, không giải tỏa, bởi nếu phá bỏ gia đình bà Xuyến sẽ rất khó khăn để sửa lại.
Ông Thiện cũng cho hay, trước yêu cầu của tỉnh, của huyện, ngay trong sáng 8/4, xã đã mời bà Xuyến lên xã để tìm hướng giải quyết. “Bà Xuyến có đề nghị nếu ngôi nhà bà phải cắt mặt thì xin được hỗ trợ vật liệu, ngày công để sửa lại. Xã xẽ kiến nghị với dự án hỗ trợ cho bà Xuyến”, ông Thiện cho hay.
Ngay trong khi đang trao đổi với PV về nội dung trên, ông Thiện nhận được điện thoại của ông Phạm Văn Nghiêm-Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải. Theo đó, ông Nghiêm “hối thúc” cấp dưới phải nhanh chóng xử lý nghiêm, dứt điểm các sai phạm. Báo cáo với cấp trên qua điện thoại, ông Thiện nhiều lần nhấn mạnh “chúng tôi sẽ xử lý”…
Và báo cáo với Chủ tịch UBND huyện “Chúng tôi sẽ xử lý”.
Chính quyền đổ lỗi cho nhà thầu
Trả lời câu hỏi của PV những hành vi xâm hại đường ống dẫn khí cao áp trên của người dân được cho là nguy hiểm, diễn ra công khai nhưng tại sao không có sự nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời trước đó của chính quyền địa phương, phải để đến khi sự việc diễn ra mới phải mất nhiều công sức xử lý, Chủ tịch UBND xã Đông Minh Vũ Đức Thiện cho biết: Trước đây, khi dự án chưa được triển khai, đất nằm trong hành lang bảo vệ đường ống dẫn khí thuộc sở hữu của người dân, sau đó mới được thu hồi, đền bù phục vụ dự án.
Từ đó, ông Thiện cho rằng sau khi dự án được triển khai, trách nhiệm bảo vệ diện tích đất này, tức hành lang bảo vệ đường ống trước hết là của phía dự án. Một trong những nguyên nhân khác dẫn đến việc người dân vi phạm hành lang bảo vệ đường ống, theo ông Thiện là do trong quá trình thi công lắp đặt đường ống, nhà thầu là công ty LILAMA6 (theo ông Thiện là có trụ sở tại tỉnh Bắc Ninh) đã nói, tuyên truyền với người dân rằng việc xây dựng các công trình như trên trong hành lang đường ống là không có vấn đề gì.
Nhiều cảnh báo nguy hiểm đã được dựng lên ở đây.
Trong khi đó, người dân một phần nghe theo “khuyến cáo” của nhà thầu, một phần chủ quan nên đã vô tư xâm hại công trình.
Trên thực tế, qua tìm hiểu của PV, các hành vi xâm hại hành lang đường ống của người dân thời gian qua đã không có sự ngăn chặn hiệu quả nào của chính quyền địa phương. Như đã đề cập, phải đến khi phía dự án kiến nghị lên tận tỉnh, việc xử lý mới được triển khai trong mấy ngày qua…
Những công trình lấn chiếm, vi phạm hành lang bảo vệ
đường ống dẫn khí cao áp của người dân thôn Minh Châu trước khi bị phá bỏ.
Một câu hỏi khác cũng cần đặt ra là: Theo cảnh báo của dự án, nguy cơ mất an toàn của công trình đường ống dẫn khí cao áp là rất cao, để đảm bảo an toàn, cần có sự bảo vệ nghiêm ngặt. Theo đó, trong 10 điều quy định về an ninh, an toàn trên hành lang, rất nhiều hoạt động dân sinh bị cấm, như: không được tiếp địa thiết bị điện, không đào bới lấy đất cát, không trồng cây lâu năm, không tạo nguồn sinh lửa, không để vật liệudễ cháy nổ, không tụ tập đông người, không lưu thông xe tải nặng quá 5 tấn, không xây cất nhà cửa, kho chứa…
Vậy nhưng, như đã đề cập, đường ống qua địa bàn xã Đông Minh được đặt nằm ngay giữa khu dân cư đông đúc. Trong khi để đảm bảo dân sinh, người dân không thể không thực hiện những việc đã bị cấm trên. Vậy, việc đặt đường ống dẫn khí cao áp tại đây có thực sự phù hợp, có đánh đố người dân?
Hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình lô 102 và 106 giai đoạn 1 do Tổng công ty khí Việt Nam làm chủ đầu tư với kinh phí gần 92 triệu USD (hơn 1.925 tỷ đồng); dự án hạ nguồn hệ thống phân phối khí áp thấp cho khu công nghiệp Tiền Hải - Thái Bình do Công ty Cổ phần phân phối khí áp thấp dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, với kinh phí hơn 62 triệu USD (hơn 1.300 tỷ đồng). Cụm công trình được triển khai từ tháng 5/2014. Tháng 8/2015 đã đón dòng khí đầu tiên từ ngoài khơi về đất liền… |