Gợi mở động lực phát triển kinh tế

Hồ Hương (thực hiện) 10/04/2016 08:30

Các nhận định từ giới chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam trong thời gian tới tiếp tục tăng trưởng ổn định dựa trên 3 động lực chính. Thứ nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thứ hai là niềm tin người tiêu dùng và tín dụng được củng cố. Thứ ba là các chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế  - TS Nguyễn Minh Phong chia sẻ, ngoài  các bệ đỡ đang có sẵn, cũng cần gợi mở các động lực khác để phát triển kinh tế.  

Gợi mở động lực phát triển kinh tế

TS Nguyễn Minh Phong.

PV:Thưa ông, trong khi cơ quan quản lý cho rằng nền kinh tế đang chuyển biến tích cực, thì một thực tế đặt ra các chỉ số tăng trưởng đang có dấu hiệu chững lại. Bằng chứng là GDP quý 1 của năm 2016 tăng 5,46% thấp hơn con số 6,12% cùng kỳ năm trước?

TS Nguyễn Minh Phong: Mức tăng trưởng chậm hơn so cùng kỳ năm trước đã xuất hiện cả ở GDP (tăng 5,46% so mức tăng 6,12% năm 2015) và ngành công nghiệp (tăng 6,2%, chỉ bằng 2/3 so mức tăng 9,27% năm 2015).

Nhưng cũng cần nhìn kỹ vào những dấu hiệu khác để thấy rằng, kinh tế quý 1 vẫn tăng trưởng khá ổn định. Quý I-2016 ghi nhận ngành xây dựng tăng 9,94% là mức tăng cao nhất kể từ năm 2010 đến nay. Ngành dịch vụ tăng 6,12% là mức tăng trưởng khá và trùng với xu hướng tăng mạnh thu hút FDI vào lĩnh vực này.

Ngành thủy sản đánh bắt biển tăng 3,9% và nuôi trồng tăng 1,9% nhờ mô hình Nghiệp đoàn nghề cá, các tổ khai thác biển, tổ hợp tác khai thác hải sản và các đội dịch vụ hậu cần nghề cá, cùng với giá xăng dầu ở mức thấp làm giảm chi phí khai thác, tất cả đã khuyến khích bà con tích cực ra khơi bám biển.

Nhận định về tình hình kinh tế xã hội trong quãng thời gian từ 2011 – 2015, ông sẽ chấm phá những điểm gì?

- Thành tựu quan trọng hàng đầu những năm vừa qua là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước; chất lượng tăng trưởng được nâng lên…

Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm qua đạt 5,91%. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt 193,4 tỉ USD, bình quân đầu người 2.109 USD. Bên cạnh những điểm đạt được, cũng thẳng thắn thừa nhận nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều điểm hạn chế, yếu kém. Chẳng hạn như việc cân đối ngân sách Nhà nước còn khó khăn, còn thất thu ngân sách.

Thưa ông, nhìn thẳng vào khó khăn để thay đổi cũng là một cách phát triển. Năm 2015 được đánh giá là năm bội thu khi Việt Nam ký kết, đàm phán thành công các hiệp định thương mại. Nhưng dường như việc tận dụng lợi thế từ các hiệp định vẫn rất hạn chế. Nhiều hiệp định cùng thực hiện giống như nhiều con đường được mở ra cùng lúc khiến cho chủ thể nền kinh tế không biết nên ưu tiên lựa chọn đường nào?

- Việt Nam đã và đang ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với các đối tác hàng đầu thế giới, như TPP, AEC… Với quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu đòi hỏi Việt Nam phải nhìn nhận được những thay đổi và chuyển dịch của môi trường bên ngoài mà chúng ta phải đối mặt. Câu hỏi thời sự được quan tâm hiện nay là để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia dựa trên nền tảng kinh tế thị trường hội nhập kinh tế quốc tế thì cần phải thực hiện như thế nào?

Hiện nay mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới phát triển doanh nghiệp đang được dồn sức, và quyết tâm thực hiện.

Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014 và 2015 được coi là các Nghị quyết cải tiến khi lấy chỉ số Doing Business của một tổ chức quốc tế là Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra để chấm điểm cải cách trong nước trên nhiều lĩnh vực... Tuy nhiên bên cạnh những thành công vẫn có nhiều điểm chưa thực hiện được. Theo ông, chúng ta cần lưu ý điểm gì trong đại cuộc cải thiện môi trường kinh doanh?

- Cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, cần có sự tham gia đồng bộ của nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và các hiệp hội, tổ chức xã hội dưới sự chỉ đạo thống nhất và triển khai quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, nhất quán của nhà nước; kết hợp hài hòa các yếu tố quốc tế với tính đặc thù quốc gia; sớm áp dụng các bộ tiêu chuẩn thông dụng phổ biến nhất trên thế giới, với hoàn thiện theo các mức độ phù hợp với cam kêt hội nhập trong các FTA mà Việt Nam đã và sẽ ký, cũng như hướng đích tới các tiêu chí cao nhất không thua kém các nước có nền kinh tế phát triển…

Đồng thời, chú ý tới nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp về công nghệ, vốn, quản trị, thị phần, chất lượng và giá cả, năng lực đổi mới sản phẩm; hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý, kiểm soát quyền lực, kiểm soát lợi ích liên kết nhóm, lối tư duy nhiệm kỳ; tình trạng độc quyền, lũng đoạn thị trường...

Chúng ta cũng cần đề cao tính hành động thông qua một số chương trình quốc gia nhằm cụ thể hóa các nội dung triển khai, như: Chương trình về hoàn thiện các bộ chỉ số của Việt Nam; Chương trình về phát triển thể chế và kiện toàn bộ máy chỉ đạo quốc gia về cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, cần xem xét hoàn thiện thể chế quốc gia về chỉ đạo và quản lý hội nhập trong một Hội đồng (hoặc Ban chỉ đạo) Quốc gia về cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững nhằm tiết kiệm chi phí, tránh chồng lấn hoặc kẽ hở trong phối hợp, chỉ đạo thống nhất và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên mọi cấp độ và lĩnh vực…

Đặc biệt, việc cải thiện môi trường kinh doanh cần có sự gắn kết chặt chẽ đa chiều với nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là một quá trình mở, liên tục, nhất quán, được đẩy nhanh hơn trong những điều kiện nhất định.

Để tạo sức bật về cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới, Việt Nam còn nhiều việc phải làm, tập trung vào một số nội dung mấu chốt là ổn định bền vững kinh tế vĩ mô; nâng cao năng suất lao động theo hướng thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường đối mới sáng tạo. Đồng thời, tăng cường thể chế và thực thi thể chế tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh cạnh tranh; thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp quốc gia.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hồ Hương (thực hiện)