Người bắc những nhịp cầu

Nguyên Khánh 10/04/2016 09:05

Hơn 1 thập kỷ trôi qua, một người phụ nữ trẻ có tấm lòng nhân hậu như con thoi đi đi về về giữa hai nước Việt-Mỹ giúp xóa những cây cầu khỉ trên những kênh rạch ở Nam Bộ với ý nghĩ giản dị nhưng vô cùng cao đẹp: bắc những nhịp cầu cho con trẻ đến trường. Chị là Việt Ly Nguyễn, kiều bào Mỹ, hiện đang sống ở San Diego.

Người bắc những nhịp cầu

Việt Ly Nguyễn chung niềm vui có trường mới với trẻ em vùng cao.

Sợ chứng kiến tai nạn của trẻ thơ trên cầu khỉ

Chị kể, sau bao năm lăn lộn, bôn ba nơi xứ người, chị muốn làm một hành trình trở về thật ý nghĩa để tri ân nơi chôn nhau, cắt rốn của mình. Cách đây hơn chục năm, chị không nhớ rõ vào khoảng thời gian nào, chỉ biết rằng, vô tình đọc được một mẩu tin trên báo có một cháu bé đi học về qua cây cầu khỉ, bị vướng chiếc balo vào một nhánh thân cầu. Sông không sâu nhưng do ngã mạnh, cháu bé bị rơi xuống và bị dòng nước cuốn đi mà không ai hay.

“Giá mà chiếc cầu em bé đi qua không phải là cầu khỉ tạm bợ thì mạng sống của em không ngắn ngủi thế”- giọng Việt Ly trầm buồn. Chị bảo, những dòng tin chua xót ấy ám ảnh chị khủng khiếp. Vậy là chị quyết định tìm về địa phương này với ý nghĩ phải xây dựng bằng được cây cầu bê tông vững chắc để sau này không còn đứa trẻ nào rơi vào cảnh thương tâm nữa.

Nói là làm, nhưng phải bắt đầu từ đâu, nếu chỉ với số tiền ít ỏi chị tiết kiệm được cùng lắm chỉ xóa được vài cây cầu, trong khi cầu khỉ có ở hầu khắp vùng sông nước Nam Bộ. Tự nhủ, đây là nghĩa cử cao đẹp, một việc làm tích đức, nếu chia sẻ ý tưởng này với những người có tấm lòng nhân hậu, có chung tấm lòng hướng về quê hương, chắc chắn họ sẽ ghé vai vào.

Chị Việt Ly kể, ở Mỹ, hễ gia đình nào có đám hiếu, họ thường dùng toàn bộ khoản tiền phúng viếng cho công tác thiện nguyện. Chị đã từng được nhiều gia đình người Việt có tấm lòng gửi khoản tiền này để xây trường học, giúp những đứa trẻ nghèo có chốn nương thân.

Tuy nhiên, khoản tiền phúng viếng không nhiều, vì ở Mỹ người ta chủ yếu đến viếng đám tang bằng những vòng hoa đắt tiền. Vòng hoa rẻ cũng phải mất 200-500USD thậm chí có chiếc cả nghìn USD. Mỗi một đám tang có khi có cả trăm vòng hoa như vậy, trong khi, nếu thay vòng hoa bằng tiền, mỗi một đám hiếu có thể giúp bêtông hóa một cây cầu khỉ ở Việt Nam.

Chị đã bàn bạc với mọi người thay bằng viếng vòng hoa hãy phúng viếng bằng tiền, khoản tiền đó sẽ giúp ích cho những người nghèo khó ở trong nước.

Ý tưởng này đã được mọi người ủng hộ. Thay vì phúng vòng hoa, mọi người bảo nhau phúng bằng tiền mặt, biến mỗi cuộc tiễn đưa thành ngày thiện nguyện…Và nhờ đó, những cây cầu thiện nguyện ở vùng sông nước được xây dựng nhiều hơn. Việc đi lại của bà con không những thuận tiện mà ghe thương lái có thể vào tận nơi mua sản phẩm nên người dân đỡ bị ép giá, kinh tế trong vùng cũng phát triển hơn.

Suốt nhiều năm qua, người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu này như con thoi đi về giữa Mỹ và Việt Nam vì các chương trình từ thiện. Trong đó mục đích chính vẫn là để bắc thêm những cây cầu mới và làm những giếng nước sạch cho đồng bào vùng sông nước Nam Bộ. Rất may là ý nguyện và những việc làm của Việt Ly được chồng và cả gia đình đồng tình hợp sức thực hiện.

Không chỉ ủng hộ vợ, chồng chị còn tạo điều kiện thuận lợi để chị có thể về nước thường xuyên. Thế là lần lượt những cây cầu mang tên: cầu Đại Bi tặng cha; cầu Bát Nhã tặng mẹ, rồi cầu Nhân trí, Khai trí, Huệ tâm. Không chỉ là những cây cầu, những chiếc giếng nước sạch mang tên Thanh Lương, Cam Lộ, An lành, Hạnh phúc... nối tiếp ra đời đã đem lại bao niềm vui mới cho đồng bào, những vùng quê nghèo khó.

Mỗi năm chị về Việt Nam khoảng 2 đến 3 lần. Mỗi lần về là một đợt đi nghiệm thu các công trình cầu và giếng nước. Chia sẻ với chúng tôi chị nói, chị không nhớ tới nay mình đã làm được bao nhiêu cây cầu. Chỉ biết rằng, mỗi cây cầu được bắc qua sông của vùng nghèo khó, lòng chị nhân lên những niềm vui khôn xiết.

Kiên cố mái trường cho trẻ vùng cao

Những việc làm đẹp của chị Việt Ly không chỉ dừng lại ở vùng sông nước Nam Bộ. Từ năm 2012, chị và nhóm từ thiện của chị đã khảo sát và vận động quyên góp, xây dựng 4 điểm trường mầm non, mẫu giáo mới khang trang, kiên cố cho học sinh ở xã Kim Bon- một xã nghèo thuộc huyện Phù Yên, Sơn La. Tổng kinh phí xây các điểm trường: Đá Đỏ, Dằn A, Suối Kếnh và Suối Pa trị giá trên 1 tỷ đồng do gia đình chị và các tổ chức, cá nhân kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp.

Trong dịp về nước nghiệm thu công trình và dự lễ khánh thành những điểm trường mới, chị xúc động cho biết: Lớp học bản Đá Đỏ tại Kim Bon là một món quà đặc biệt đối với chị. Chị kể, nhân kỷ niệm 15 năm ngày cưới, vợ chồng chị muốn dành cho nhau một chuyến du lịch ở Hongkong. Thế nhưng chuyến đi cho riêng họ đã bị dời lại vì nhiều lý do khác nhau.

Thế rồi, mốc kỷ niệm 15 năm ngày cưới trôi đi lúc nào không hay. Vợ chồng chị đã có quyết định thực tế hơn đó là dùng toàn bộ số tiền dành cho chuyến đi ủng hộ cho việc xây trường ở vùng cao. Quà kỷ niệm ngày cưới sẽ là chuyến du lịch về quê hương trong tiếng bi bô của trẻ nhỏ.

Thế là niềm vui riêng của gia đình chị được hòa cùng niềm vui chung của các em học sinh và giáo viên ở xã nghèo Kim Bon này. Kể với tôi về những điểm trường mới ở Kim Bon, mắt chị lấp lánh niềm vui như đang cùng các em nhỏ hân hoan mừng có lớp học mới của mình.

Nói về những dự định trong tương lai, chị Việt Ly chia sẻ, sẽ tiếp tục xóa cầu khỉ và xóa trường tạm. Đã có những dự án kiên cố, lớp học mới ở Yên Bái và công trình nhà ăn cho học sinh bán trú trường tiểu học Pả Củ Tỷ huyện Bắc Hà, Lào Cai chị đã và tiếp tục triển khai.

“Còn sức khỏe, tôi sẽ còn vận động bà con có nhiều nghĩa cử hơn nữa giúp trẻ em nghèo trên khắp quê hương Việt Nam”- chị Việt Ly nói.

Nguyên Khánh