Vì sao Panama trở thành 'Thiên đường trốn thuế'
Câu chuyện “Hồ sơ Panama” hiện được coi là nóng nhất đối với nhiều nguyên thủ quốc gia, chính trị gia, những nhân vật nổi tiếng. Thế giới dậy sóng trong suốt tuần qua khi nhiều chiêu trò rửa tiền, che giấu tài sản của hàng loạt các nhân vật “tai to mặt lớn”bị hé lộ. Tâm điểm của bê bối này là một công ty luật có trụ sở ở Panama. Vậy tại sao người ta lựa chọn quốc gia này để rửa tiền?
Trụ sở hãng luật Mossack Fonseca ở Panama.
Đó là câu hỏi mà nhiều người đặt ra sau khi Liên hiệp các nhà báo điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố 11,5 triệu tài liệu thuộc về Panama Papers- cái tên có thể trở thành vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất trong lịch sử báo chí thế giới, trong đó tất cả đầu mối đều quy về một công ty luật ở Panama, công ty chuyên giúp khách hàng của họ thành lập các công ty và tài khoản nước ngoài để trốn thuế.
Mossack Fonseca chính là công ty đó. Mới đây, công ty này đưa ra một tuyên bố rằng, trong khi họ đang là một nạn nhân của tấn công mạng, và khẳng định rằng họ không thấy các tài liệu trên có thể chứng minh được là họ làm gì phạm pháp, đồng thời nói rằng vẫn sẽ duy trì được danh tiếng của mình trên khắp thế giới, điều mà họ đã xây dựng trong suốt 40 năm qua.
Cùng đó, Tổng thống Panama Juan Carlos Varela cũng khẳng định rằng đất nước ông không bao giờ dung thứ cho những kẻ phạm tội về tài chính.
Vậy thì tại sao ai cũng muốn mang tiền của họ đến Panama, tất cả đều có lý do của nó.
Lịch sử
Trong khi Panama không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới mà người ta có thể sẵn sàng mang tiền đến gửi để trốn thuế, thì nó lại vốn đã rất nổi tiếng với danh xưng là “thiên đường trốn thuế” từ hơn 100 năm trước; theo một nghiên cứu mà Viện Nghiên cứu quản lý doanh nghiệp và Kinh tế Na Uy công bố.
Trước đây, Panama đã vốn nổi tiếng nhờ phi vụ đăng ký các con tàu nước ngoài để giúp đỡ Standard Oil- tập đoàn dầu khí khổng lồ thuộc sở hữu của ông trùm dầu khí Mỹ John Rockerfeller- trốn thuế ở Mỹ. Đến cuối những năm 1920, các nhà điều hành ở Phố Wall cũng giúp Panama phác thảo các pháp chế trong đó cho phép bất kỳ cá nhân nào cũng có thể thành lập một doanh nghiệp nặc danh không phải nộp thuế. Và cách đây khoảng 60 năm, số tiền “bẩn” nhờ buôn bán ma túy cũng bắt đầu xuất hiện ở Panama.
Manuel Noriega, nhà độc tài ở Panama, bắt đầu nắm quyền lực hồi năm 1983, khi mà những kẻ buôn lậu ma túy người Colombia đang thu về khoản lợi nhuận hàng tỷ USD nhờ buôn bán chất cấm. Noriega được cho là đã giúp tổ chức ma túy Medellin của Colombia- vào thời điểm đó kiếm được tới 4 tỷ USD/năm – che giấu số tiền bẩn của chúng.
Dù Noriega cuối cùng cũng bị lật đổ, nhưng mối quan hệ của người đàn ông này với các tổ chức buôn bán ma túy kể từ đó đã càng làm cho Panama thêm phần nổi danh là một thiên đường để rửa tiền.
Luật doanh nghiệp lỏng lẻo
Các bộ luật bắt đầu được thực thi ở Panama từ hồi những năm 1920 đã được tinh sửa để biến Panama thành một nơi rất dễ rửa tiền. Tại quốc gia này, người ta có thể thành lập một công ty một cách dễ dàng mà không cần phải báo cáo về các khoản hoàn thuế hay phải kiểm toán, thậm chí trong một vài trường hợp danh tính của chủ sỡ hữu công ty đó còn được che giấu hoàn toàn; theo Insight Crime một tổ chức chuyên nghiên cứu về tội phạm có tổ chức ở khu vực Mỹ Latin và biển Caribbe.
Thêm vào đó, Panama còn có vô vàn các kiểu ưu đãi thuế. Ví dụ, rất nhiều công ty không cần phải trả thuế khi làm ăn với các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, hệ thống báo cáo kiểm tra ở nước này cũng hết sức lỏng lẻo nếu như so sánh với hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Khi các dòng vốn hợp pháp tìm đường tới Panama, cho đến tháng 2 vừa qua, nó vẫn nằm trong danh sách các quốc gia có các bộ luật chống rửa tiền yếu nhất thế giới. Vậy mà, Lực lượng đặc nhiệm về phòng chống Rửa tiền (FATF), một thể chế liên chính phủ đã lập danh sách nói trên, thậm chí còn ngợi khen tiến trình củng cố các bộ luật chống rửa tiền của nước này.
Điều này giúp cho Panama được loại khỏi danh sách trên, chủ yếu nhờ việc họ đã đưa ra cam kết chống tội phạm tài chính. Tuy nhiên, Panama lại vẫn nằm trong “danh sách đen” các nước bị coi là thiên đường trốn thuế của Ủy ban châu Âu; và Pháp trong tuần này cũng tuyên bố rằng sẽ đặt Panama vào “danh sách đen” của riêng họ.
Ảnh minh họa.
Kinh tế và địa lý
Nền kinh tế của Panama vận hành bằng đồng USD của Mỹ, đồng tiền mà nhiều chính phủ sử dụng trong các giao dịch quốc tế của họ và được xem là một đồng tiền an toàn. Các dịch vụ tài chính đóng vai trò sống còn đối với nền kinh tế quốc gia này. Nhờ sở hữu Kênh đào Panama, đất nước này được xem là một tuyến thương mại quốc tế quan trọng, khi hệ thống kênh này đóng góp tới 6% GDP của họ.
Ngoài ra, Panama cũng có chung đường biên với các nước có tỷ lệ tội phạm buôn bán ma túy và buôn lậu thuộc hàng cao nhất thế giới. Các nhân tố trên đã khiến cho Panama chịu rủi ro cao về khả năng bị lợi dụng để làm nơi rửa tiền; theo một báo cáo mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố năm 2014.
“Panama Papers đã chiếu một chút ánh sáng vào văn hóa và sự bí ẩn của Panama”- ông Angel Gurria, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển châu Âu (OECD) nói đồng thời nhấn mạnh: “Panama là thành trì cuối cùng cho phép các nguồn vốn ẩn náu ở nước ngoài, để trốn thuế vào các cơ quan hành pháp”.