Sử dụng đất

Nam Việt 11/04/2016 06:05

Ngày 9/4, Quốc hội đã thông qua  Nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia. Cùng với Luật Đất đai thì Nghị quyết này của Quốc hội mang tầm đặc biệt, vì lâu nay vấn đề quy hoạch, sử dụng đất được toàn xã hội quan tâm. Cũng chính ở lĩnh vực này đã nổi lên những bất cập, từng gây bức xúc xã hội, đòi hỏi phải được giải quyết thỏa đáng.

Tại nhiều địa phương, do chậm triển khai dự án, đất bị bỏ hoang phí.

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu về đất đai cho các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.

Trong đó đặc biệt là việc sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả; duy trì quỹ đất trồng lúa hợp lý nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang diễn biến nhanh hơn dự báo; tăng cường, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai.

Trong Nghị quyết, Quốc hội đã đồng ý với đề nghị của Chính phủ về điều chỉnh diện tích đất đối với một số lĩnh vực quan trọng, trong đó có đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất khu công nghiệp và phát triển hạ tầng…

Đối với đất trồng lúa, đáng chú ý là sẽ điều chỉnh trồng lúa đến năm 2020 giảm 52,4 nghìn héc ta, trong đó đất chuyên trồng lúa nước giảm 92,95 nghìn héc ta. Trong số đất được giữ lại, có khoảng 400 nghìn héc ta được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa.

Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm, vì lẽ từng có thời kỳ những diện tích đất thuộc loại “bờ xôi ruộng mật” đã bị lấy để làm các dự án. Diện tích trồng lúa bị thu hẹp, trong khi nước ta là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới (về số lượng). Vậy, với việc điều chỉnh giảm đất trồng lúa lần này có gì mâu thuẫn?

Thực tế thì qua thời gian dài phát triển theo chiều rộng, sản lượng lúa (quy gạo) của chúng ta đạt được nhiều thành tựu, xuất khẩu gia tăng, an ninh lương thực bảo đảm, giá lúa gạo trong nước ổn định. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy để tăng sức cạnh tranh trong nông nghiệp khi hội nhập, trong đó có lúa gạo thì sản lượng thôi chưa đủ, mà cần phải chú trọng chất lượng, nâng giá trị sản phẩm.

Cuộc cách mạng khoa học- kĩ thuật cho thấy, không nhất thiết phải sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều lao động, mà quan trọng là áp dụng những thành tựu mới, giống mới đem đến hiệu quả cao về giá trị. Thời gian qua nhiều địa phương cũng đã chủ động chuyển đổi cây trồng, thay đổi giống lúa chất lượng cao và cũng đã cho kết quả bước đầu.

Vấn đề ở đây là, không phải tiếp tục cắt giảm diện tích đất lúa để phục vụ cho các lĩnh vực khác (ví dụ như chuyện dự án các khu công nghiệp, du lịch… khiến dư luận bất an), mà trên cơ sở diện tích đất hợp lý, phù hợp thực tế, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo chiều sâu. Diện tích đất “dôi dư” sẽ được sử dụng đúng mục đích.

Trong việc quy hoạch lại diện tích đất, điều quan trọng hơn cả, người dân trông đợi hơn cả chính là tính công khai minh bạch, tính cấp thiết và cần thiết, nói tóm lại là đất phải được sử dụng đúng mục đích. Nước ta dân số đông, diện tích nhỏ, đất sử dụng để canh tác không nhiều, vì thế càng phải tiết kiệm, càng phải phân chia sử dụng một cách đúng đắn.

Đất không đẻ ra được, cũng không thể lấy ở nơi khác về làm của mình, diện tích lấn biển hàng năm cũng không nhiều và cũng không dễ dàng canh tác trên vùng đất mới bồi đắp. Trong khi đó, khí hậu ngày một khắc nghiệt, ngày càng nhiều thêm những vùng đất bị sa mạc hóa, nhiều nơi có biểu hiện biến thành hoang mạc.

Đã vậy, việc nước biển dâng do trái đất ấm lên từ hiệu ứng nhà kính cũng sẽ biến nhiều vùng đất ven biển, cửa sông vốn màu mỡ thành những khu vực khó khăn trong canh tác, chưa nói là có thể còn bị nhấn chìm dưới dòng nước. Vì thế, việc “đối xử với đất” thế nào là bài toán khó, cần một tầm nhìn xa và phải thật khả thi.

Nhiều năm qua, tốc độ đô thị hóa quá mạnh đã khiến nhiều vùng đất trồng trọt biến thành những khối nhà bê-tông. Cùng đó, nhiều khu công nghiệp mọc lên cũng khiến quỹ đất trồng trọt thu hẹp, nhiều ngôi làng trở thành phố thị còn người nông dân thì hết ruộng, trở thành công nhân trong những nhà máy, xí nghiệp. Đó cũng là xu hướng của sự phát triển.

Tuy nhiên, từ đó cũng lại xuất hiện hàng loạt dự án “trùm mền” từ năm này sang năm khác, có dự án kéo dài cả chục năm, làm lãng phí đất một cách trầm trọng. Nếu trong thời gian ấy, người dân vẫn được canh tác thì hiệu quả là không nhỏ.

Các cấp chính quyền từng tuyên bố “trảm” những chủ đầu tư chây ỳ, thiếu năng lực, lấy lại những diện tích đất “trùm mền”. Nhưng kết quả đạt được không nhiều, người dân vẫn bức xúc. Thời gian tới, nếu không thực sự kiên quyết với những dự án kiểu này thì đất vẫn tiếp tục bị lãng phí.

Trở lại với Nghị quyết về sử dụng đất mới được Quốc hội thông qua, một điểm cũng rất đáng chú ý là sẽ tiến hành điều tra, đánh giá thực trạng đất sản xuất nông nghiệp bỏ hoang; hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý đất đai, chính sách tài chính về đất đai để khuyến khích việc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, tránh bỏ hoang gây lãng phí đất đai.

Đất bỏ hoang ở đây cần được hiểu là những khu đất mà các ông chủ trước đó đã “xin” được để làm dự án nhưng lại “trùm mền”- chính là đối tượng cần kiểm tra, xử lý nhất. Không níu kéo sự phát triển, ủng hộ chủ trương công nghiệp hóa- hiện đại hóa nhưng không thể để hoang phí đất. Thời gian trôi qua rất nhanh, càng để lâu càng lãng phí. Mà đó là điều không thể chấp nhận.

Hy vọng rằng với Nghị quyết của Quốc hội, quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ mới, vấn đề sử dụng đất sẽ hợp lý, tăng cường sức mạnh phát triển của đất nước đồng thời giảm dần bức xúc xã hội. Trong đó, hai vấn đề quan trọng cần được chú trọng chính là sử dụng đạt hiệu quả cao nhất với diện tích phân bổ hợp lý và xóa bỏ những hình thức chiếm dụng, sử dụng đất đai vô lý.

Nam Việt