Bản chất của giáo dục là con người

Cẩm Anh 11/04/2016 08:35

Sau một thời gian triển khai Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, có thể nói vào thời điểm hiện nay, giáo dục nước nhà cũng đã có được những đổi mới bước đầu ở chương trình, sách giáo khoa, thi cử. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều ngổn ngang trong quá trình đổi mới khiến dư luận có cảm giác như giáo dục càng gỡ càng rồi. Bối cảnh ấy đang đặt ra nhiều thách thức cho tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. 

Ảnh minh họa.

Tranh thủ trí tuệ và nhiệt tình của các bậc trí giả

Thực tế hàng nhiều chục năm qua, với nhiều lần cải cách nền giáo dục nước nhà cho thấy rất nhiều khi bản thân nền giáo dục đã trở thành “nạn nhân” của các “trường phái” từ chính các chuyên gia giáo dục. Không ít lần ngành giáo dục đã thay đổi từ áp lực dư luận chưa chắc sự thay đổi ấy đã đúng.

Bởi vậy, với lợi thế là lĩnh vực đông đảo trí thức và chuyên gia, ngành giáo dục có thể tham vấn ý kiến từ họ rất dễ dàng. Vấn đề còn lại là cần “con mắt xanh” để lắng nghe, nhìn ra, chắt lọc từ những ý kiến đóng góp của dư luận xã hội, của các chuyên gia giáo dục để đưa ra được những quyết sách sáng suốt nhất.

Trong trả lời báo chí ngay ngày đầu nhậm chức, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thể hiện rõ thiện chí lắng nghe: “Chúng ta có rất nhiều chuyên gia giỏi và đầy nhiệt huyết ở cả trong và ngoài nước. Nếu tranh thủ được trí tuệ và nhiệt tình của họ thì lo gì ngành giáo dục - đào tạo của chúng ta không có “hòn núi cao”. Với tư cách là một Bộ trưởng mới, tôi sẽ thành tâm lắng nghe và tạo điều kiện để các bậc cao minh, trí giả cũng như người dân bình thường đều có thể hiến kế hoặc đưa ra những suy nghĩ tâm huyết của mình.”

Phương pháp để đáp ứng triết lý giáo dục “Dạy làm người”

Nhiều năm trước chúng ta thường nghe các chuyên gia giáo dục đề nghị phải đưa ra một triết lý giáo dục mới phù hợp hơn. Thì kể từ Nghị quyết Trung ương 8 khóa 11, triết lý cơ bản để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đã được xác định là “nền giáo dục chú trọng dạy phương pháp, kỹ năng trên nền tảng kiến thức chuyên môn cần thiết để phát triển năng lực người học và dạy làm người”.

Đây có thể nói chính là chỗ thuận lợi của tân Bộ trưởng khi tiếp nhận sự nghiệp giáo dục vào thời điểm này. Đã có đầy đủ mục tiêu giáo dục, đã có Nghị quyết về đổi mới, đã có đầy đủ quyết tâm của toàn ngành và sự ủng hộ của toàn xã hội, yêu cầu đưa ra với ngành giáo dục là tìm ra phương pháp đổi mới. Đâu là khâu đột phá để đổi mới giáo dục? Sau nhiều thời gian tranh luận, ngành giáo dục những năm qua chọn đột phá ở đổi mới thi cử. Và mùa thi ngổn ngang năm 2015 ghi nhận nhiều thay đổi tích cực nhưng cũng để lại nhiều dư vị đắng.

Cũng trong trả lời báo chí sau buổi nhậm chức, tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có vẻ như sẽ tiếp cận đổi mới theo một phương pháp đồng bộ hơn. Ông cho biết: “Để đạt được mục tiêu ấy, việc đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp dạy, kiểm tra, đánh giá phải được triển khai một cách khoa học, đồng bộ, lớp lang theo hướng hội nhập quốc tế, nhưng phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để giáo dục phổ thông đi vào kỷ cương, nề nếp; giáo dục đại học phải hướng tới chất lượng và sản phẩm đầu ra đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường!”

Tuy nhiên, trong tổng thể đồng bộ ấy, Bộ trưởng đã nhấn mạnh đến nhân tố con người. Đặt giáo viên và học sinh vào trung tâm của đổi mới. Theo tân Bộ trưởng: “Lâu nay, mọi người mất nhiều công sức để nói về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, nhưng đó là câu chuyện của các thầy, câu chuyện của nhà trường. Với mục tiêu đặt ra là đào tạo con người như thế này thì các thầy phải làm thế nào - đó là công việc có tính chất nghiệp vụ. Sao mang nghiệp vụ của thầy ra để xã hội bàn? Có những công việc chỉ những người trong ngành bàn với nhau. Có những việc cả xã hội cùng bàn. Không nên lẫn lộn hai thứ. Hãy đưa ra đòi hỏi về con người, đừng đưa ra đòi hỏi về giáo trình, sách giáo khoa. Nếu các thầy không đáp ứng được mục tiêu đầu ra thì sách giáo khoa không giải quyết được gì. Sách chỉ là khâu trung gian trong việc quản lý, trong quá trình chứ không phải mục tiêu”.

Quan điểm này của tân Bộ trưởng có nhiều điểm tương đồng với đề nghị của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình vài năm trước. Khi còn có nhiều ý kiến tranh luận về việc chọn khâu đột phá để đổi mới giáo dục, khác với nhiều ý kiến các chuyên gia khác, bà Bình luôn luôn đề nghị việc đổi mới đầu tiên phải là đổi mới thầy cô, đổi mới các trường sư phạm đào tạo ra thầy cô.

Giáo dục là con người, phải xây dựng trong nhiều năm

“Một dân tộc hiếu học, trọng học, một đất nước mà mỗi gia đình sẵn sàng dành tất cả những gì mình có cho việc học hành của con cái thì không có lý do gì để chúng ta không có một nền giáo dục xứng tầm” - với lời phát biểu này, tư lệnh ngành giáo dục đang tràn đầy hi vọng và quyết tâm để có một “nền giáo dục xứng tầm”.

Tân Bộ trưởng trong ngày nhậm chức có đề cập đến nhiệm vụ quan trọng của người đứng đầu ngành giáo dục là “tạo ra niềm tin” để đáp ứng “mưu cầu rất chính đáng là được học hành tử tế, được sống vui vẻ, sống trong xã hội yên bình”. Có thể hiểu đó như một lời hứa mà dư luận nhân dân đang kì vọng nó sẽ trở thành hiện thực. Giáo dục là tương lai dân tộc. Giáo dục không phải là sản phẩm nhìn thấy hiệu quả chỉ sau một vài năm hay một vài nhiệm kỳ. Bởi vì nói như Bộ trưởng, bản chất của giáo dục là con người chứ không phải bằng cấp.

Cẩm Anh