Tiếng vọng thiên nhiên qua vũ điệu sắc màu

Phạm Huy Thông 11/04/2016 00:01

Chiều qua, 10/4 triển lãm nghệ thuật quốc tế chủ đề “Tiếng vọng từ thiên nhiên” do Asia Art Link tổ chức đã khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học - Hà Nội).  

Các tác phẩm hội họa châu Á được trưng bày tại triển lãm.

Tại triển làm, có hơn 30 tác phẩm của 31 họa sĩ thuộc các quốc gia Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Nhật Bản và Singapore. Được sáng tạo bởi các nghệ sĩ từ nhiều nền văn hóa khác nhau, các tác phẩm trong triển lãm có phong cách nghệ thuật và kỹ thuật thể hiện rất đa dạng.

Khi xây dựng khung chương trình cho triển lãm năm nay tại Việt Nam, các thành viên của Asia Art Link chợt nhận ra: thiên nhiên đã vô tình được chọn là mẫu số chung trong tất cả các hoạt động. Những triển lãm, trại sáng tác mà nhóm đã tiến hành đều diễn ra trong không gian có vẻ đẹp thiên nhiên đặc thù hoặc gắn chặt với đề tài thiên nhiên.

Và khi mỗi họa sĩ trở về phòng vẽ riêng biệt, trở về với môi trường đô thị quen thuộc, thì tự nhiên vẫn đã là phần không nhỏ trong tâm hồn, tiếng gọi của tự nhiên dù ngầm ẩn sau những âm thanh ồn ã thường nhật, nhưng vẫn bền bỉ vẫy gọi các nghệ sĩ. Bởi vậy cái tên “Echo From Nature – Tiếng vọng từ thiên nhiên” đã được chọn để đặt cho triển lãm.

Người xem sẽ thấy các nghệ sĩ Thái Lan phô diễn kỹ năng điêu luyện khi làm việc với chất liệu mầu nhựa Acrylic trên vải toan. Các bước trộn mầu ngay trên mặt tranh, đắp cào các lớp mầu tạo nên sự đan xen cảm xúc kỳ lạ. Tác phẩm khổ lớn “Wonderful of mind” (tạm dịch Vẻ đẹp tâm hồn) của họa sĩ Jirawat là một ví dụ điển hình về thủ pháp gạt mầu để lộ ra sự pha trộn hòa sắc với lớp lót phía dưới.

Lớp mầu trên cùng của Jirawat Phirasant thật ngổn ngang, như tâm trí đôi khi hỗn loạn của con người, hoặc trông như vòm lá bí ẩn sâu thẳm của rừng rậm. Nhưng những nhát gạt hỗn loạn trên mặt toan ấy lại được dung hòa, kiềm tỏa bởi lớp chuyển dịu dàng đầy tính toán phía dưới. Jirawat hiện là hiệu phó của Trường Đại học Naresuan, Thái Lan.

Hay nhà điêu khắc Mukai Katsumi của Nhật Bản thường làm việc với những khối gỗ khổng lồ, đôi khi là cả một gốc cây đại thụ và người xem có thể đi vào bên trong để trở thành một phần của tác phẩm. Ông thường dùng những cây đục lớn, bạo liệt tạo ra những khối âm trên khúc gỗ, để lại bề mặt thô ráp nhưng tạo ra tổng thể như nước chảy uyển chuyển.

Lần này ông mang đến Việt Nam 8 khối tượng nhỏ, trông như những phác thảo tí hon nhưng hoàn thiện, Mukai Katsumi gợi ra những phướng án lạ kỳ mà chúng ta có thể gọt giũa từ một khúc gỗ tìm thấy trong thiên nhiên.

Họa sĩ Yeo Siak Goon mang đến từ Singapore một tác phẩm Acrylic với bút pháp tung tẩy nhưng quyến rũ, hiệu quả. Không cố gắng vẽ những khối căng, tranh của Yeo Siak Goon là tập hợp những đường nét và mảng miếng lấp ló trong nhau. Những lớp mầu acrylic được pha loãng, sử dụng rất mỏng như mầu nước đôi khi vẽ xuống rồi lại được chùi đi mỏng tang.

Cách vẽ như vừa làm vừa chơi này thực tế cần một sự tôi luyện lâu dài trong khả năng quản lý bố cục tổng thể và xử lý sắc độ chi tiết. Bởi thế, tranh của Yeo Siak Goon gợi được nhiều, tạo ra những hình dung khác nhau cho mỗi người xem.

Các nghệ sĩ Việt Nam với “lợi thế sân nhà” đã góp mặt với 14 tác phẩm sử dụng nhiều chất liệu khác nhau, đa phần là các tác phẩm với kích thước lớn. Họa sĩ Nguyễn Trần Cường, Công Kim Hoa sử dụng chất liệu sơn mài truyền thống nhưng ngôn ngữ tạo hình cách tân, cá tính.

Họa sĩ Đỗ Hiệp cũng sử dụng màu Acrylic như nhiều họa sĩ nước ngoài, nhưng lại trên bề mặt truyền thống giấy Dó. Đặc biệt, anh tự tay mày mò thử nghiệm học làm khung tranh khảm trai, tuy bề mặt còn thô vụng so với các sản phẩm của nghệ nhân chuyên nghiệp, nhưng điều này hứa hẹn những ứng dụng mới mẻ khi họa sĩ dần làm chủ được những kỹ thuật truyền thống để sử dụng trong tạo hình đương đại.

Sau ngày khai mạc triển lãm tại Hà Nội, các nghệ sĩ trong triển lãm sẽ di chuyển đến Huế và Đà Nẵng. Một triển lãm mở rộng của “Tiếng vọng từ thiên nhiên” sẽ diễn ra tại không gian nghệ thuật Thiện Tâm, thành phố Huế.

Hơn mười ngày tổ chức hai cuộc triển lãm song song ở Hà Nội và Huế, nhóm Asia Art Link Việt Nam không chỉ mong muốn trưng bày ra trước công chúng Việt Nam những tác phẩm thể hiện tình yêu ngầm định với thiên nhiên.

Qua các hoạt động giao lưu, giới thiệu văn hóa, những người tổ chức triển lãm còn hy vọng sẽ gợi lên trong lòng những người đồng nghiệp quốc tế những tiếng vọng ngân dài về văn hóa Việt và lòng hiếu khách của người Việt Nam.

Triển lãm kéo dài tới hết ngày 17 tháng 4 năm 2016.

Phạm Huy Thông